Theo đó, Chính phủ Hungary đệ trình lên Quốc hội một dự luật sửa đổi, cho phép hình sự hóa bất kỳ hoạt động nào hỗ trợ người nhập cư trái phép, và một dự luật sửa đổi hiến pháp thắt chặt hơn quy định đối với người xin tị nạn.
Theo dự thảo luật được đệ trình ngày 29/5, bất kỳ cá nhân hay tổ chức giúp đỡ những người nhập cư trái phép, từ việc cung cấp thực phẩm hay tư vấn pháp lý, đều bị coi là vi phạm luật pháp và sẽ phải đối mặt với hình phạt tù tới một năm.
Dự luật, được biết tới với cái tên “Hãy chặn đứng Soros”, được chính phủ soạn thảo nhắm tới nhà tỉ phú người Mỹ gốc Hungary George Soros, người được Chính phủ Hungary cáo buộc đứng sau kế hoạch khuyến khích người nhập cư vào châu Âu, trong đó có Hungary, thông qua hỗ trợ các tổ chức phi chính phủ. Ông Soros đã bác bỏ các cáo buộc trên.
Cùng ngày, Chính phủ cũng đệ trình lên Quốc hội một dự luật sửa đổi hiến pháp, với những quy định chặt chẽ hơn đối với những người muốn xin cơ chế tị nạn tại Hungary.
Theo đó, người nước ngoài chỉ có thể được phép sống tại Hungary nếu họ nhận được sự chấp thuận của chính quyền. Những ai cố tình tìm cách vào Hungary từ một nước thứ ba, nơi họ không trực tiếp bị ngược đãi vì lý do chủng tộc, chính trị hay tôn giáo, đều không được phép xin tị nạn.
Quốc hội Hungary dự kiến sẽ sớm thảo luận những dự luật sửa đổi này, và theo các nhà phân tích, sẽ không khó để những dự luật này được thông qua, bởi Đảng Fidesz cầm quyền của Thủ tướng Viktor Orban chiếm 2/3 số ghế tại Quốc hội.
Thủ tướng Viktor Orban được biết tới là một nhà lãnh đạo châu Âu có quan điểm cứng rắn đối với người nhập cư. Ngay khi cuộc khủng hoảng người nhập cư vào châu Âu lên đến đỉnh điểm vào cuối năm 2015, chính phủ của ông đã quyết định dựng hai lớp rào dây thép gai trên biên giới phía Nam để ngăn người nhập cư trái phép vào lãnh thổ.
Hungary cũng là một trong số ít nước phản đối kịch liệt cơ chế phân bổ hạn ngạch người tị nạn của Liên minh châu Âu dành cho các nước thành viên./.