Roi-tơ và TTXVN ngày 20-6 đưa tin, chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Liên hiệp châu Âu (EU) vào cuối tháng 6 này, EU đang xem xét thiết lập nhiều trung tâm tiếp nhận bên ngoài liên minh để xử lý vấn đề người di cư.
Theo bản dự thảo nghị quyết của Hội nghị cấp cao EU sắp tới, Hội đồng châu Âu ủng hộ việc thành lập những trung tâm tiếp nhận tại khu vực trên cơ sở hợp tác chặt chẽ với Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức di trú quốc tế (IOM). Dự thảo nghị quyết phải nhận được sự chấp thuận của tất cả các quốc gia thành viên EU.
★ Người đứng đầu Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) P.Gran-đi kêu gọi các nước thành viên EU hợp tác để giải quyết mọi chia rẽ và bất đồng liên quan cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, thay vì các quốc gia riêng lẻ tự thực hiện những nỗ lực rời rạc. UNHCR đề xuất hỗ trợ EU tìm kiếm giải pháp hiệu quả ứng phó dòng người di cư. Theo đó, để giải quyết vấn đề này cần có một quy định được tất cả các quốc gia trong khu vực Địa Trung Hải chấp thuận.
★ Đêm 19-6, tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển I-ta-li-a đã đưa hơn 500 người di cư, bao gồm hàng chục người được Hải quân Mỹ cứu sống ngoài khơi Li-bi, cập cảng ở thành phố Xi-xin, nhiều ngày sau khi giới chức I-ta-li-a cấm các tàu cứu hộ do các tổ chức phi chính phủ điều hành cập cảng I-ta-li-a. Theo thống kê, đã có hơn 700 nghìn lượt người di cư đặt chân lên các bờ biển của I-ta-li-a kể từ khi bùng nổ làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu vào năm 2013.
★ Trong một diễn biến liên quan, Bộ trưởng Nội vụ I-ta-li-a M.Xan-vi-ni khẳng định sẽ trục xuất những người quốc tịch nước ngoài nhưng không có giấy tờ hợp pháp bất chấp sự phản đối từ cả trong nước và ngoài nước. Kế hoạch này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ không chỉ từ phía các nghị sĩ thuộc các đảng đối lập mà còn từ chính những thành viên thuộc liên minh cầm quyền mới thành lập tại I-ta-li-a. Tuy nhiên, ông Xan-vi-ni cho biết sẽ tiếp tục kế hoạch này vì lợi ích và sự an toàn của người dân I-ta-li-a.
★ Thủ tướng Séc A.Ba-bít cho biết, yêu cầu của Chính phủ Đức về việc kiểm tra biên giới bên trong EU nhằm hạn chế người nhập cư vào Đức là không thể chấp nhận được đối với Séc. Theo đó, sự thành công của nền kinh tế Séc phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống biên giới mở trong khu vực Sen-ghen. Theo ông Ba-bít, các nước thành viên EU không nên bỏ qua các nguyên tắc cốt lõi của khối, trong đó có quyền tự do đi lại. Hiện nội bộ liên minh cầm quyền tại Đức đang bất đồng sâu sắc về chính sách nhập cư.