Ngày 22-6, Tổ chức Chữ thập đỏ hai nước Hàn Quốc và Triều Tiên họp mặt bàn về việc tổ chức buổi đoàn tụ cho những gia đình bị chia cắt bởi chiến tranh Triều Tiên sau ba năm ngắt quãng.
Động thái này nằm trong những kế hoạch được thống nhất bởi Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nhằm cải thiện mối quan hệ giữa hai nước vốn rạn nứt bởi những chương trình vũ khí của Triều Tiên trong quá khứ.
Cuộc họp diễn ra vào 10 giờ (giờ địa phương) ngày 22-6 trong một khách sạn tại địa điểm du lịch Mount Kumgang của Triều Tiên. Trước đó, vào tháng Tư, hai bên đã thống nhất sẽ cùng tổ chức buổi đoàn tụ vào tháng Tám tới, vào dịp kỳ nghỉ lễ quốc gia.
“Hai bên nên nỗ lực tích cực để có những kết quả tốt hôm nay bằng việc tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Hai bên cũng nên vượt qua quá khứ để hướng tới những gì mà lãnh đạo hai bên đã thống nhất”, Trưởng đoàn phía Triều Tiên Pak Yong Il, Phó Chủ tịch Ủy ban Thống nhất hòa bình tổ quốc phát biểu.
Các quan chức phía Hàn Quốc cũng đề nghị tổ chức những chuyến thăm thân để tiếp tục thực hiện vấn đề “nhân đạo và nhân quyền”, khi nhiều người dân bị chia cắt đã ở trong độ tuổi từ 80 trở lên.
Trước buổi họp, Trưởng phái đoàn Hàn Quốc Park Kyung-seo, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Hàn Quốc phát biểu với báo chí, “Chúng tôi sẽ quay lại sau khi bàn thảo với phía Triều Tiên về những vấn đề nhân đạo, và tìm cách giải quyết nỗi đau ly tán với người thân cho 57 nghìn người”.
Một chuyên gia của Viện nghiên cứu Hyundai cho biết, kể từ năm 2000, khoảng 23,676 người bị chia ly từ cả hai phía đã được gặp mặt trực tiếp hoặc thông qua video chat trực tuyến, trong khuôn khổ chương trình đoàn tụ. Theo số liệu của Viện này, tính đến tháng 3-2018, 56% trong tổng số 131.531 người Hàn Quốc nộp đơn xin đoàn tụ đã qua đời, hiện chỉ còn 57 nghìn người còn sống.
Theo một khảo sát của Bộ Thống nhất Hàn Quốc thực hiện năm 2016, khoảng 74.4% những gia đình có thành viên gia đình bị ly tán của nước này không có thông tin về nơi ở cũng như tình trạng hiện tại của người thân.
Buổi đoàn tụ trước được hai bên tổ chức vào năm 2015, trong một số cảnh được phát trên truyền hình, đã chứng kiến nhiều giọt nước mắt khi người thân hai phía gặp mặt rồi lại chia tay nuối tiếc.
Phía Hàn Quốc cũng mong muốn tiếp tục thực hiện những cuộc gặp mặt trực tuyến và trao đổi thư từ cho những gia đình bị chia cắt bởi biên giới hai nước.
Mặt khác, hiện chưa rõ ràng rằng Bình Nhưỡng đã bỏ qua điều kiện trước đây để tiếp tục thực hiện chương trình đoàn tụ. Bình Nhưỡng yêu cầu phía Hàn Quốc trao trả 12 phụ nữ Triều Tiên làm việc tại một nhà hàng Triều Tiên ở Trung Quốc sau đó đào thoát sang Hàn Quốc vào năm 2016, và bị tình nghi làm gián điệp.
Cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) “kết thúc” với một thỏa thuận ngừng bắn, không phải hiệp ước hòa bình, vì vậy về mặt kỹ thuật thì quân đội hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh.
Tuy nhiên, mối quan hệ hai bên đang ấm lên sau những kết quả tích cực từ những cuộc gặp thượng đỉnh gần đây.