Italia tuyên bố xem xét phủ quyết về gia hạn trừng phạt Nga

09:23, 10/06/2018

Italia sẽ xem xét khả năng sử dụng quyền phủ quyết của mình trong việc gia hạn các biện pháp trừng phạt chống Nga tại Hội đồng Liên hiệp châu Âu (EU) vào cuối tháng này.

Ngày 8-6, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte đã tuyên bố như vậy trong một cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), khai mạc cùng ngày tại tỉnh Quebec (Canada). Như vậy, Italia đã trở thành nước tiếp theo, sau Đức và Áo, phản đối tiếp tục gia hạn lệnh trừng phạt chống Nga.

Ông Conte nhấn mạnh rằng, Italia đang xem xét quan điểm của các bên trong việc gia hạn các biện pháp trừng phạt chống Nga. Ông cũng nói rõ mặc dù Italia sẵn sàng xem xét lại vấn đề này, song điều đó không có nghĩa sẽ khiến đảo ngược toàn bộ tiến trình thực thi các Thoả thuận hòa bình Minsk, trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ucraina. Ông đồng thời khẳng định: “Italia là một phần của NATO, và chúng tôi hoàn toàn không cho phép nghi ngờ về việc Italia thực hiện các cam kết quốc tế của mình, song chúng tôi ủng hộ đối thoại và rất chú trọng sao cho các lệnh trừng phạt này không gây ảnh hưởng đến xã hội dân sự của Nga”.

Trước đó, các nguồn tin cũng khẳng định chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Brussels (Bỉ) vào các ngày 28 và 29-6 tới có thể sẽ xem xét khả năng gia hạn các biện pháp trừng phạt chống Nga, liên quan cuộc khủng hoảng tại Ucraina và việc bán đảo Crimea sáp nhập Nga hồi năm 2014. Nếu Italia sử dụng quyền phủ quyết của mình trong việc gia hạn lệnh trừng phạt chống Nga, điều đó sẽ phá vỡ nguyên tắc đồng thuận, một điều kiện tất yếu để thông qua những quyết định tương tự.

Trước đó, phát biểu tại Quốc hội, Thủ tướng Conte nêu rõ, Chính phủ Italia ủng hộ xem xét lại khả năng gia hạn các biện pháp trừng phạt chống Nga. Ông Conte cũng ủng hộ đề nghị ngay trước thềm Hội nghị G7 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cho rằng cần khôi phục tư cách thành viên của Nga đối với Nhóm G7. Vấn đề này thực tế đã được thảo luận hồi năm 2017, khi Italia đảm nhiệm trọng trách Chủ tịch luân phiên của nhóm này. Tuy nhiên, liên quan động thái đề nghị khôi phục quy chế G8 cho Nga, ngày 8-6, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov đã khẳng định Nga không đặt ưu tiên tham gia G7, mà chú trọng tới các cơ chế khác ngoài nhóm này.

Năm 1998, Nga là thành viên thứ tám trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển, gọi tắt là G8. Tuy nhiên, đến năm 2014, quy chế thành viên nhóm này của Moscow đã bị đình chỉ, liên quan câu chuyện tại bán đảo Crimea và cuộc khủng hoảng Ucraina.

Liên quan lệnh trừng phạt chống Nga, báo cáo tài chính cuối năm 2017 của Italia cho biết nước này đã mất 11-12 tỷ USD do ảnh hưởng của các lệnh cấm xuất khẩu sang Nga và mất khoảng 200 nghìn việc làm. Báo cáo của Roma nhấn mạnh các lệnh cấm vận có hại cho Italia, trong khi không ảnh hưởng nhiều đến các công ty châu Âu khác. Ngoài ra, giới chức Đức, Áo và Italia cũng đồng thuận trong các đánh giá cho rằng Nga đang ngày càng thể hiện vai trò của mình trong các vấn đề của châu Âu, mà trước hết là trong lĩnh vực an ninh.