Tại cuộc họp thượng đỉnh nhóm Visegrad bốn nước Trung Âu bao gồm Cộng hòa Séc, Ba Lan, Hungary và Slovakia tại thủ đô Budapest của Hungary ngày 21/6, Thủ tướng bốn nước đề nghị Liên minh châu Âu tăng cường bảo vệ biên giới để ngăn người nhập cư trái phép, đồng thời khẳng định sẽ không tham dự hội nghị tiểu thượng đỉnh về di cư tại Bỉ vào cuối tuần này.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau hội nghị, Thủ tướng nước chủ nhà Viktor Orban cho biết, các nhà lãnh đạo nhóm thúc giục Liên minh châu Âu tăng cường bảo vệ biên giới khối và sàng lọc người nhập cư bên ngoài khối. Theo ông, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng người nhập cư vào châu Âu chưa có giải pháp và chia rẽ gia tăng giữa các thành viên, ưu tiên hàng đầu là phải đảm bảo an ninh, an toàn cho người dân.
"Chúng tôi tập trung nhấn mạnh vào hai vấn đề liên quan tới nhập cư mà chúng tôi có sự thống nhất về quan điểm: một là đảm bảo an ninh biên giới của khối, hai là thiết lập các điểm nóng bên ngoài lãnh thổ EU, và đây cũng là đề xuất cũ của nhóm Visegrad. Những vấn đề khác như cơ chế hạn ngạch không được đặt ra tại cuộc họp lần này".
Đồng quan điểm trên, Thủ tướng Áo Sebastian Kutz, người được mời tham dự hội nghị, nhấn mạnh châu Âu không còn cách nào khác là phải tự bảo vệ mình trước khi quá muộn.
"Tôi cho rằng điều quan trọng là chúng ta không còn đặt trọng tâm vào tranh cãi phân bổ người nhập cư nữa mà thay vào đó là tập trung đảm bảo an ninh biên giới của khối. Chỉ khi nào biên giới bên ngoài của Liên minh châu Âu được bảo vệ an toàn, lúc đó chúng ta mới duy trì được mục tiêu tự do nội khối".
Còn Thủ tướng mới được bổ nhiệm Cộng hòa Séc Andrej Babis cho rằng cơ quan quản lý biên giới của EU, Frontex, cần phải được tăng cường cả về nhân lực và năng lực để đối phó với những thách thức của làn sóng người nhập cư bất thường vào châu Âu, trong đó có nạn buôn người.
Cũng tại buổi họp báo, Thủ tướng Hungary thông báo nhóm bốn nước Visegrad sẽ tẩy chay hội nghị tiểu thượng đỉnh về di cư do Ủy ban châu Âu tổ chức tại Bỉ vào Chủ Nhật này. Hội nghị tiểu thượng đỉnh này dự kiến có sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ Đức, Hà Lan, Áo, Tây Ban Nha, Pháp, Hy Lạp, Bungary và một số nước khác. Thủ tướng Orban nói rằng chỉ có Hội đồng châu Âu mới có chức năng đứng ra tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo của khối chứ không phải Ủy ban châu Âu.
Quyết định của nhóm Visegrad đưa ra trong lúc xuất hiện thêm những căng thẳng giữa các nước thành viên xoay quanh giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay, trong đó có tranh cãi giữa Pháp và Italy về việc tiếp nhận tàu chở người tị nạn mới đây và chia rẽ trong nội bộ chính trường Đức về vấn đề người tị nạn. Trước đó một số nước thành viên EU phản đối cơ chế phân bổ hạn ngạch người tị nạn bắt buộc của Liên minh châu Âu, gây chia rẽ nội bộ khối.
Theo Cao ủy của Liên Hợp Quốc về người tị nạn, từ đầu năm đến nay, có khoảng 40.000 người chạy trốn khỏi chiến tranh và đói nghèo, chủ yếu tại Châu Phi và Trung Đông, cập bến châu Âu bằng đường biển, bằng một nửa con số của cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù số người đến giảm, nhưng Liên minh châu Âu đang bị bao phủ bởi một cuộc khủng hoảng niềm tin. Tuần tới Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu sẽ diễn ra, tập trung vào một số vấn đề quan trọng, trong đó ưu tiên được dành cho cải cách chính sách tị nạn của khối./.