Chiến tranh thương mại và những hệ lụy

14:04, 12/07/2018

Cho đến nay, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ với EU, Canada, Mexico và Trung Quốc đã “khai hỏa”. Diễn biến và quy mô của cuộc chiến này vẫn đang ở phía trước. Tuy nhiên, điều chắc chắn có thể nhìn thấy là không có kẻ thắng trong cuộc chiến này.

 

Những kịch bản có thể xảy ra

Để hiện thực hóa cương lĩnh “Nước Mỹ trước tiên”, chính quyền của Tổng thống  D. Trump đã áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch. Cùng với việc rút khỏi Hiệp ước TPP, đàm phán lại về các Hiệp ước đã ký với một số khu vực khác, nay Washington lại chính thức mở đầu một cuộc chiến thương mại với các nước đồng minh châu Âu, Bắc Mỹ và đối tác Trung Quốc, khiến giới nghiên cứu và dư luận quan ngại sâu sắc về tác động tiêu cực đến sự phục hồi và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Theo giới quan sát, kể từ hồi tháng 6/2018, Washington đã công bố quyết định đánh thuế 25% lên mặt hàng thép và 10% lên mặt hàng nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico (có hiệu lực từ 1/6); tiếp đó, đầu tháng 7, 1.477 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc chính thức chịu thuế 25% với tổng giá trị là 50 tỷ USD.

Theo đó, cả Brusel và Bắc Kinh cũng đã công bố phương án "trả đũa" tương xứng. Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ mức thuế quan nói trên vi phạm các nguyên tắc của WTO, đồng thời sẽ làm tổn hại đà phục hồi kinh tế toàn cầu và gây rối loạn thị trường thế giới cũng như gây tổn hại đối với chính kinh tế Mỹ.

Theo giới chuyên gia dự báo: Có 3 kịch bản: (1) Sau khi Mỹ áp thuế lên các hàng nhập khẩu từ EU, Trung Quốc, Canada, Mexico và các nước này sẽ đáp lại tương ứng lên hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ; (2) Sau một thời gian ngắn mức thuế mới có hiệu lực các bên sẽ đi vào đàm phán và có sự nhượng bộ lẫn nhau; (3) Chiến tranh thương mại toàn cầu bùng nổ khi các mức thuế nhập khẩu trên toàn thế giới đều tăng lên 10%. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia thì kịch bản thứ 3 là khó xảy ra và kịch bản thứ 2 là có nhiều khả năng hơn cả.

Theo chuyên gia nghiên cứu của J.P. Morgan John Normand thì kịch bản xấu nhất là chiến tranh thương mại toàn cầu khiến tăng trưởng của nền kinh tế thế giới sẽ bị sụt giảm ít nhất 1,4% trong năm 2019 và 2020.

Các chuyên gia kinh tế còn cho rằng: “Kịch bản này vẫn chưa tính đủ thiệt hại gây ra bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng, cộng thêm vòng lặp phản hồi từ chính sách thắt chặt tiền tệ”. “Sự bất ổn chính sách xói mòn niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp, khiến chi tiêu gia đình và doanh nghiệp giảm mạnh. Thước đo tổng hợp về tâm lý các thị trường đã phát triển cho thấy một sự sụt giảm, nhưng vẫn trên mức trung bình do chính sách cải cách thuế của Mỹ”.

Nếu theo kịch bản 1 sau khi các nước đồng minh và đối tác chính thức áp thuế trả đũa lên hàng hóa Mỹ như: Nước cam, sữa chua, rượu whiskey, thịt lợn, đậu tương, xe máy, thuyền và bơ lạc… thì triết lý ưu tiên quyền lợi của nước Mỹ và nguyên tắc “công bằng và có đi có lại” của ông Trump sẽ bị phá vỡ, nước Mỹ sẽ nhận hậu quả khó lường.

Lợi bất cập hại

Cũng theo giới phân tích, cuộc chiến mà ông Trump quyết định khởi xướng là nhằm tái cân cân bằng cán cân thương mại giữa Mỹ và đồng minh, đối tác có lợi cho nền kinh tế Mỹ. Trong ngắn hạn, thâm hụt thương mại của Mỹ có thể giảm đi. Theo đó, chỉ tính thâm hụt thương mại của tháng 4 vừa qua đã là mức thấp nhất kể từ đầu năm nay, từ mức 2,1% xuống còn 46,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, những tháng gần đây có nhiều cảnh báo từ các nhà phân tích về nguy cơ trong chính sách kinh tế “Trumponomics”. Marko Kolanovic - Trưởng Bộ phận chiến lược định lượng và phái sinh toàn cầu của J.P. Morgan đã ước tính hồi tháng 6 rằng chiến thuật thương mại cứng rắn của ông Trump cũng đã gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD cho thị trường chứng khoán Mỹ.

Sau khi phân tích ảnh hưởng của dòng thông tin liên quan đến thương mại, cả tích cực và tiêu cực, đến diễn biến của thị trường chứng khoán Mỹ, chuyên gia Marko Kolanovic đã nhận định: “Chúng tôi ước tính chứng khoán Mỹ chịu ảnh hưởng tiêu cực 4,5%” kể từ tháng 3 đến nay. Ông kết luận: “Xét đến mức vốn hóa thị trường hiện nay, thì mức thiệt hại này vào khoảng 1.250 tỷ USD và tương đương 70% giá trị của tất cả các biện pháp kích thích tài khóa” của nước Mỹ.

Ngay từ hồi đầu năm, chiến lược gia Kolanovic cũng đã dự báo đúng đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán Mỹ, và cảnh báo về tâm lý tự mãn và mức đòn bẩy cao trên thị trường. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh rằng chủ nghĩa bảo hộ thương mại là bất lợi “lớn” mà Phố Wall phải đối mặt.

“Việc sử dụng những lời đe dọa (kiểu ông Trump) có thể mang lại thành công trong đàm phán song phương, nhưng sẽ phản tác dụng trong một hệ thống phức tạp như đàm phán thương mại toàn cầu”. Ông nhận định: “Nếu đảo ngược chính sách thương mại, thị trường sẽ lấy lại được giá trị vốn hóa bị giảm do nguy cơ chiến tranh thương mại và giữ nguyên được ảnh hưởng tích cực từ các chính sách tài khóa. Trong trường hợp đó, thị trường có thể tăng 4%”. Còn theo xu thế hiện nay thì cuộc chiến thương mại do Mỹ khởi xướng “lợi bất cập hại” là có cơ sở.

Những hệ lụy khôn lường

Theo các chuyên gia kinh tế, một cuộc chiến thương mại toàn diện giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm giảm 0,25% tổng GDP của cả hai nền kinh tế ngay trong năm 2018. Tình hình sẽ xấu hơn trong năm 2019, khi cả 2 nước đều phải chứng kiến mức suy giảm kinh tế khoảng 0,5% thậm chí cao hơn.

Tờ New York Times nhận định: Các mức thuế áp lên Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến nhiều công ty của Mỹ vốn dựa vào các nhà cung cấp Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu và “nhiều khả năng sẽ gây tổn thương cho các công ty Mỹ nhiều hơn là đối với các công ty Trung Quốc".

Khi tuyên chiến thương mại với Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc cũng gặp nhiều khó khăn bởi Mỹ là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc (18,4% kim ngạch xuất khẩu) khiến tác động trực tiếp của cuộc chiến này lên Trung Quốc sẽ làm giảm 0,1% - 0,3% tăng trưởng GDP, theo đó xuất khẩu cũng giảm 1%.

Bình luận về cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ ở Trung Quốc William Zarit nói với Washington Post cho rằng: “Không có kẻ thắng trong chiến tranh thương mại”.

Viện Kinh tế Quốc tế Peterson cũng chỉ ra rằng, gần 70% số hàng hóa Mỹ nhập từ Trung Quốc đến từ các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, thuế nhập khẩu của Mỹ, cho dù nhằm vào Trung Quốc, nhưng vẫn có tác động đến các nước khác như: Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan và Singapore… vì các nền kinh tế này nằm trong chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu.

Chuyên gia Nick Marro của cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit cho biết, Trung Quốc cung cấp rất nhiều các linh kiện, thiết bị để sản xuất ra sản phẩm cuối cùng ở các nước nêu trên và “bất kỳ ‘vết lõm’ nào trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng” tới các nước đó.

Quan hệ Mỹ - EU cũng vậy, chỉ tính riêng doanh nghiệp sản xuất ô tô hàng đầu của Đức tại Mỹ Wilbur Ross, đã tính được sự ảnh hưởng đến dòng đầu tư và công ăn việc làm tại Mỹ. Doanh nghiệp này sở hữu một nhà máy lên đến 10.000 nhân công ở miền Nam Carolina. Nếu EU trả đũa, Mỹ có thể sẽ chịu một mức thuế lên đến 300 tỷ USD khiến ngành ô tô của cả hai bên đều bị tổn thất nặng nề.

Như vậy, cuộc chiến thương mại đã bắt đầu. Nhiều kịch bản đã được dự đoán. Tuy nhiên, với hệ lụy khó lường do độ sâu của sự liên kết trong chuỗi cung ứng sản phẩm toàn cầu nên không bên nào có thể dành thắng lợi. Vì thế, giới nghiên cứu cho rằng, các bên tham chiến sớm hay muộn cũng sẽ phải trở lại bàn đàm phán, thương lượng để kết thúc cuộc chiến mà thôi./.