Dù đã gặp nhau nhiều lần bên lề các hội nghị quốc tế, song đây lại là cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ.
Một ngày sau khi Cúp bóng đá thế giới 2018 khép lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/7 đã lên đường tới thủ đô Helsinki, Phần Lan để tham dự cuộc gặp thượng đỉnh rất được mong chờ với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Dù đã gặp nhau nhiều lần bên lề các hội nghị quốc tế, song đây lại là cuộc gặp song phương chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo. Cộng đồng thế giới cũng rất đón chờ sự kiện này, nhưng với những tâm trạng rất khác nhau.
Những ngày này, trên khắp các đường phố của thủ đô Helsinki đều tràn ngập những băng-rôn bằng cả tiếng Nga và tiếng Anh, với thông báo: “Xin chào Ngài Tổng thống, đến với đất nước của tự do báo chí”. Ngoài một số cuộc biểu tình phản đối, thì có thể nói Phần Lan là địa điểm lý tưởng nhất để tổ chức cuộc gặp, khi duy trì quan hệ hữu hảo với cả Nga và Mỹ.
Theo ông Fiodor Loukianov, Tổng biên tập tạp chí “Nước Nga trong các vấn đề toàn cầu”, Phần Lan là một quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song cũng có đường biên giới chung với Nga. Chỉ riêng vị trí địa lý như vậy cũng phần nào nói lên tính trung lập của quốc gia châu Âu này. Phần Lan là một thành viên của cộng đồng phương Tây, song đồng thời lại có các mối quan hệ kinh tế rất tốt đẹp với Nga và luôn duy trì một mối quan hệ chính trị rất thận trọng với quốc gia láng giềng.
Dù không phải là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), song cũng giống như Thụy Điển, Phần Lan đang cho thấy một sự xích lại gần hơn tới liên minh quân sự Đại Tây Dương này khi hợp tác cùng tại Afghanistan và thường xuyên tham gia tập trận chung tại khu vực Baltic. Song cũng không vì thế, mà nước này giảm các cuộc gặp thường xuyên với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Cũng cần phải nhắc lại, Helsinki không phải là cái tên xa lạ với các Hội nghị thượng đỉnh Đông-Tây. Nơi đây từng chứng kiến lễ ký kết Hiệp ước Helsinki (1/8/1975), với mục đích làm sống lại tinh thần hòa hoãn giữa Liên Xô trước đây và Mỹ, cùng các đồng minh của hai nước trong Chiến tranh Lạnh hay là nơi tổ chức cuộc gặp giữa cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton và cựu Tổng thống Nga Boris Yeltsion về kiểm soát vũ khí và mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) năm 1997, cũng như cuộc gặp giữa cựu Tổng thống George Bush và Tổng thống Mikhail Gorbachev năm 1990.
Có thể nói, sau Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thì đây là sự kiện được mong chờ nhất trong năm, dù không một ai, kể cả Tổng thống Mỹ Donald Trump hay Tổng thống Nga Vladimir Putin kỳ vọng quá nhiều về một sự đột phá ngoại giao trong lần đối mặt trực tiếp này, nhất là trong bối cảnh mối quan hệ giữa hai nước đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm.
Tuy nhiên, cuộc gặp này lại khiến các đồng minh truyền thống của Mỹ lo ngại khi mà họ chỉ mới bắt đầu quen với cái đầu “lúc nóng lúc lạnh” của ông chủ thứ 45 của Nhà trắng. Những nước này lo ngại Tổng thống Donald Trump sẽ nhượng bộ về vấn đề các lệnh trừng phạt hay vấn đề Crimea.
Giáo sư quan hệ quốc tế Philip Golub, thuộc Đại học Mỹ ở thủ đô Paris, Pháp nhận định: “Tôi cho rằng, người châu Âu có lý do để lo ngại về một loạt hồ sơ quan trọng, nhất là khi nước Mỹ của Tổng thống Doanld Trump đang thực hiện một chính sách quốc tế dựa trên ý tưởng rằng, các mối quan hệ quốc tế là một trò chơi có tổng bằng không, đối thủ này hưởng lợi trên thiệt hại của các đấu thủ khác và điều này đúng cả trong Liên minh Hiệp ước Bắc Đại Dương Dương. Bản thân Tổng thống Mỹ cũng không hề che giấu những mục tiêu lớn của nước Mỹ, đó là một nền ngoại giao cưỡng chế, trong đó mục tiêu đơn giản là khẳng định quyền lực của nước Mỹ”.
Cuộc gặp này là cuộc gặp chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo kể từ khi Tổng thống Donald Trump bắt đầu nhiệm kỳ hồi đầu năm ngoái, vốn bị phủ bóng bởi những cáo buộc về sự can dự của Nga trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Sự kiện cũng diễn ra chỉ ngày sau Hội nghị thượng đỉnh NATO.
Theo ông Boris Toucas, chuyên gia nghiên cứu thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế tại Mỹ, điều mà ông Trump có thể thông báo nhân cuộc gặp này có thể đi ngược lại với các lợi ích của châu Âu. Dẫu vậy chỉ riêng việc Tổng thống Nga và Mỹ đồng ý gặp nhau đã là một điều đáng hoan nghênh, cho thấy sự cần thiết phải duy trì đối thoại, đặc biệt trong giai đoạn căng thẳng hiện nay./.