Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) vừa giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2018 và 2019, song cảnh báo những căng thẳng thương mại đang gia tăng có nguy cơ sẽ làm chệch hướng sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Trong bản báo cáo cập nhật về tổng quan kinh tế thế giới công bố ngày 16/7, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ đạt mức 3,9% trong năm 2018 và 2019, bằng mức dự báo trước đó được đưa ra vào tháng 4/2018.
Tuy nhiên, báo cáo của IMF cũng chỉ ra rằng, quy mô tăng trưởng của nền kinh tế đang bị thu hẹp trong khi những rủi ro lại đang có dấu hiệu gia tăng. IMF cảnh báo xung đột và căng thẳng thương mại ngày càng lan rộng, đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu, làm giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới trong giai đoạn trung hạn và tác động đến sự ổn định của các thị trường tài chính. Qua đó, thể chế tài chính này kêu gọi các nền kinh tế phát triển cần tăng cường sự linh hoạt về tài chính để có thể sẵn sàng ứng phó với những thay đổi đột ngột của thị trường.
Báo cáo của IMF hạ dự báo tăng trưởng đối với các nền kinh tế phát triển trong năm 2018 xuống còn 2,4% - tức giảm 0,1% điểm so với dự báo đưa ra vào tháng 4/2018. Tuy nhiên, thể chế tài chính toàn cầu này cũng chỉ ra rằng, mức tăng trưởng dự báo của các nền kinh tế phát triển vẫn không thay đổi và sẽ giữ ở mức 2,2% vào năm 2019. Tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế đang phát triển và các thị trường mới nổi dự kiến sẽ đạt mức 4,9% vào năm 2018, trước khi vươn lên ngưỡng 5,1% vào năm kế tiếp.
Cụ thể, theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản trong năm 2018 đã bị giảm xuống còn 1,0% so với con số 1,2% được đưa ra vào tháng 4/2018. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế tại khu vực eurozone đã bị cắt giảm từ 2,4% xuống còn 2,2%. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ vẫn không thay đổi và giữ nguyên ở mức 2,9% do các chính sách cắt giảm mạnh mẽ về thuế.
Theo nhận định của IMF thì cán cân rủi ro đang dịch chuyển theo chiều hướng đi xuống, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và các nước đối tác đang tiếp tục gia tăng. Điều này có nguy cơ làm chệch hướng sự phục hồi và suy giảm triển vọng tăng trưởng trung hạn thông qua việc ảnh hưởng trực tiếp tới sự phân bổ nguồn lực và sản lượng, đồng thời làm gia tăng sự bất ổn và gây thiệt hại cho các hoạt động đầu tư.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, nhà kinh tế trưởng của IMF Maurice Obstfeld nhấn mạnh: “Mô hình của chúng tôi cho thấy rằng, nếu như các mối đe dọa chính sách thương mại hiện hành được hiện thực hóa dẫn tới niềm tin kinh doanh sụt giảm, thì vào năm 2020, sản lượng toàn cầu sẽ bị cắt giảm 0,5% so với mức dự báo hiện nay…Nguy cơ về sự gia tăng căng thẳng trong thương mại sẽ tác động tiêu cực đến lòng tin, giá bất động sản và đầu tư – vốn được xem là một mối đe dọa gần gũi nhất đối với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu”. Qua đó, chuyên gia của IMF kêu gọi các nước cần cân nhắc thấu đáo, tránh áp dụng những biện pháp mang tính bảo hộ và tìm kiếm một giải pháp phối hợp, thúc đẩy sự tăng trưởng liên tục của các hoạt động trao đổi hàng hóa và dịch vụ - vốn đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo toàn sự tăng trưởng toàn cầu./.