Trong hơn 2 thập niên qua, vấn đề chống khủng bố đã trở thành đề tài thảo luận trên nhiều diễn đàn quốc tế. Nhất là sau sự kiện tấn công khủng bố kinh hoàng của Al-Qaeda nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, chủ nghĩa khủng bố đã trở thành mối đe dọa toàn cầu và cuộc chiến chống lại chúng là mối quan tâm của tất cả các quốc gia.
Từ đó đến nay, chủ nghĩa khủng bố tiếp tục gây ra nhiều tội ác cho nhân loại , nhất là khi Tổ chức Nhà nước Hồi giao tự xưng (IS) ra đời, âm mưu và hành động của chúng cực kỳ nguy hiểm.
Để tiếp tục cuộc chiến chống khủng bố đạt hiệu quả cao, trong 2 ngày 28-29/6 (theo giờ Mỹ), Liên Hợp Quốc đã tổ chức Hội nghị cấp cao đầu tiên về chống khủng bố với sự có mặt hơn 1.000 đại biểu - gồm các quan chức an ninh, tình báo và thực thi pháp luật, các nhà ngoại giao, các nhà hoạch định chính sách, các hiệp hội thanh niên và phụ nữ cùng nhiều tổ chức quốc tế và khu vực - từ khắp nơi trên thế giới.
Hội nghị đã trao đổi thông tin, đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm góp phần củng cố được sự hợp tác đa phương, phá vỡ những rào cản và xây dựng được những mối quan hệ đối tác mới cho cuộc chiến chống khủng bố trên quy mô toàn cầu.
Trước đây, Liên Hợp Quốc cũng đã tổ chức một số hội nghị bàn về chống khủng bố. Nhưng đây là lần đầu tiên Liên Hợp Quốc tổ chức một hội nghị có quy mô lớn và chuyên sâu như vậy như một phần trong hoạt động của Tuần Chống Khủng bố do Liên Hợp Quốc khởi xướng, để quảng bá về những lợi ích của việc thông qua được một cách tiếp cận toàn diện đối với cuộc chiến chống khủng bố.
Phát biểu tại buổi bế mạc Hội nghị cấp cao về chống khủng bố Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhắc lại Nghị quyết 2396 được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua hồi tháng 12 năm ngoái; theo đó kêu gọi các nước thành viên thông báo cho những quốc gia khác về lịch trình đi, đến, trục xuất hay giam giữ những cá nhân mà họ nghi ngờ là khủng bố.
Ông Antonio Guterres cũng nêu bật vai trò, trách nhiệm của thanh niên và phụ nữ, và lên tiếng kêu gọi các quốc gia nỗ lực hơn nữa để xử lý những nguyên nhân sâu xa dẫn đến chủ nghĩa khủng bố và bạo lực cực đoan, đó là tình trạng thiếu cơ hội, bị gạt ra rìa, mất bình đẳng, phân biệt đối xử và vi phạm nghiêm trọng quyền con người.
Ông cũng khẳng định Liên Hợp Quốc tiếp tục cam kết hợp tác sát sao với tất cả các quốc gia để phát triển và thực thi những kế hoạch hành động quốc gia và khu vực.
Đặc biệt, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hoan nghênh việc ban tổ chức thiết lập "Diễn đàn Internet Toàn cầu để Chống Khủng bố" và những quan hệ đối tác tương tự khác để ngăn chặn sự truyền bá những nội dung cực đoan trên mạng. Vì đây là một những kênh mà chủ nghĩa khủng bố hiện nay tập trung khai thác để tuyển mộ thành viên, gieo rắc tư tưởng hoài nghi, hận thù, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo để phục vụ cho những toan tính đen tối của chúng.
Với hội nghị lần này, Liên Hợp Quốc tin tưởng rằng các quốc gia, các cơ quan an ninh, tình báo và thực thi pháp luật, các nhà ngoại giao, các nhà hoạch định chính sách, các phương tiện truyền thông, tổ chức tôn giáo, cơ quan giáo dục, thanh niên, phụ nữ… tiếp tục đóng vai trò quan trọng, có thể giúp nâng cao nhận thức của người dân, góp phần xây dựng môi trường sống lành mạnh, qua đó góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của chủ nghĩa khủng bố cũng như thúc đẩy cuộc chiến chống khủng bố đạt hiệu quả cao nhất./.