Phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể Hội nghị WEF ASEAN sáng nay, 12/9, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab cho biết, đây là hội nghị thượng đỉnh cấp cao nhất từng có về ASEAN.
Hội nghị WEF ASEAN 2018 lần thứ 27 đã có sự tham gia của hơn 1.000 đại biểu đại diện cho các chính phủ, doanh nghiệp.
Theo nhận định của ông Klaus Schwab, hiện nay, bối cảnh nền kinh tế, chính trị toàn cầu đang có sự chuyển dịch từ đơn cực sang đa cực, đơn phương đến đa phương và sẽ mở rộng tiềm năng để giải quyết các cuộc xung đột mà chúng ta đang chứng kiến hiện nay.
“Dù chúng ta còn nhiều khác biệt nhưng không nên quên rằng chúng ta có mối quan tâm chung và trách nhiệm chung với thế giới. Chúng ta hay nghĩ việc bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta theo cách mà ASEAN đang tìm cách bằng sự đồng thuận của các quốc gia. Đây là một mô hình tốt trên thế giới”, ông Klaus Schwab nói. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ thay đổi mô hình kinh doanh, kinh tế - xã hội một cách cơ bản và mang tính đột phá. Sự cạnh tranh toàn cầu được xác định bởi năng lực cạnh tranh và không còn được xác định bởi giá thành nữa.
Các quốc gia đã thành công trong làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ có hệ sinh thái sáng tạo và hệ sinh thái doanh nhân. Để có thể định hướng thành công trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng đòi hỏi chính phủ các nước ASEAN tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty khởi nghiệp cũng như các doanh nghiệp nhỏ và vừa thịnh vượng, tạo ra các công việc cần thiết.
Theo ông Klaus Schwab, thế giới đang tham gia vào cuộc chạy đua để làm chủ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Sự cạnh tranh này ngày càng lớn hơn. “Chúng ta muốn bảo đảm rằng các quốc gia ASEAN với tầm nhìn phù hợp, với chính sách tối ưu, với dân số trẻ tuổi và tinh thần kinh doanh cao có thể sẽ là những người đi đầu trong cuộc cách mạng này để giúp ASEAN chuẩn bị tốt hơn và giành được chiến thắng. Đó là mong muốn của tôi”, ông Klaus Schwab bày tỏ.
Với chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4”, tại phiên khai mạc, các nhà lãnh đạo đã có nhiều ý kiến đánh giá, nhận định về phát triển và hội nhập của các nước ASEAN trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, khẳng định nỗ lực chung của ASEAN tranh thủ cơ hội của cuộc cách mạng này để hiện thực hóa Tầm nhìn 2025 về xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh, đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực; bày tỏ tin tưởng các nước ASEAN sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, tự cường và sáng tạo hơn.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã cử Trợ lý Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc về điều phối chiến lược làm Đặc phái viên đọc thông điệp của Tổng Thư ký gửi đến Hội nghị. Đây là một cử chỉ rất đặc biệt, lần đầu tiên có tại Hội nghị WEF ASEAN năm nay; khẳng định sự ủng hộ và quan tâm của Liên Hợp Quốc nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung đối với vị thế, vai trò của ASEAN và Việt Nam.
Theo Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cùng với những cơ hội, toàn cầu hoá cũng mang lại rất nhiều thách thức. Trong đó có thể kể đến những cơ hội từ toàn cầu hoá không chia đều cho các quốc gia, nền kinh tế, bên cạnh đó là sự bất ổn định xuất hiện ở một số nơi trên toàn thế giới đã ngăn cản các nền kinh tế thế giới đạt được mục tiêu phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới.
Trong bối cảnh đó, chúng ta phải bảo đảm những công nghệ mới, sự toàn cầu hoá sẽ không làm sâu sắc hơn những tồn tại mà chúng ta đang gặp phải mà phải định hướng sự phát triển này theo hướng công bằng và bao trùm.
Ngoài ra, trong thư chúc mừng của mình, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng khẳng định: “ASEAN là đối tác quan trọng của Liên Hợp Quốc. Và Liên Hợp Quốc đánh giá cao những nỗ lực của ASEAN trong việc đưa ra các biện pháp đối mặt với những thách thức của công nghệ mới, để đóng góp khuyến nghị về mặt chính sách cho con đường phát triển phía trước”.
Theo đó, sự cộng tác giữa các bên khác nhau trong các nội dung khác nhau góp phần định hình toàn cầu hoá, tạo sự phát triển bền vững nhờ tận dụng những cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để hướng tới mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.