Ngày 22/10, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres bày tỏ hy vọng rằng Nga và Mỹ sẽ giải quyết được những bất đồng xung quanh việc Washington công bố kế hoạch rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Farhan Haq nhấn mạnh: “Người đứng đầu Liên hợp quốc đã nắm được những nội dung bình luận của Mỹ liên quan tới INF và hy vọng rằng hai cường quốc sẽ cùng phối hợp để giải quyết những bất đồng”.
Ông Haq cho biết, trước đó, trong một bài diễn thuyết tại trường đại học Geneva vào tháng 5/2018, Tổng thư ký Liên hợp quốc cũng đã kêu gọi Nga và Mỹ giải quyết những tranh cãi về INF. Cũng nhân sự kiện này, ông Guterres đã đề cập tới việc gia hạn hiệu lực của Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược (START) được áp dụng đối với các loại vũ khí tấn công chiến lược, vốn sẽ hết hiệu lực trong vòng 3 năm tới, đồng thời kêu gọi các bên liên quan hành động để cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân đang sở hữu.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ D.Trump đã công bố ý định rút khỏi INF do người tiền nhiệm Ronald Reagan và cựu lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev ký kết năm 1987 nhằm cấm hai cường quốc sở hữu, sản xuất và phóng thử các loại tên lửa có tầm bắn 500 - 5.500km. Lý do mà ông D.Trump đưa ra để lý giải cho sự thay đổi lập trường này là do phía Nga đã có những hành vi “vi phạm”.
Ngay lập tức, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkhov đã bày tỏ quan điểm phản đối mạnh mẽ khi xem hành động của Mỹ là “một bước đi rất nguy hiểm”. Hãng thông tấn TASS dẫn lời ông Ryabkhov cảnh báo rằng, việc làm trên của Mỹ sẽ vấp phải phản ứng nghiêm túc từ các nước vốn coi trọng mục tiêu bảo đảm an ninh và ổn định trên thế giới.
Tại phiên họp của Ủy ban Thứ nhất của Đại hội đồng Liên hợp quốc về giải trừ quân bị diễn ra ở New York (Mỹ) ngày 22/10, những tranh cãi giữa Nga và Mỹ xung quanh INF tiếp tục được hâm nóng và “gây lời qua tiếng lại” giữa đại diện hai nước. Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Bộ Ngoại giao Nga Andrei Belousov cho rằng, những lời cáo buộc của Mỹ là vô căn cứ. Theo quan điểm của ông Belousov thì việc Mỹ rút khỏi INF là một bước đi thiển cận và đặc biệt nguy hiểm đối với nền hòa bình thế giới. Trong khuôn khổ cuộc họp, phía Nga đã tỏ rõ sự quan ngại về việc Mỹ phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa kiểu mới có tên là Aegis Ashore. Tuy nhiên, Đại sứ Mỹ phụ trách vấn đề giải trừ quân bị tại Liên hợp quốc Robert Wood lại lập luận ngược lại và nhấn mạnh thêm rằng, có rất nhiều bằng chứng cho thấy Nga đã phát triển và thử nghiệm một thiết bị tên lửa hành trình phóng từ mặt đất bị đánh giá là vi phạm tinh thần của INF. Ông Wood khẳng định, hệ thống Aegis Ashore của Mỹ chỉ đơn thuần mang tính chất “phòng thủ” và hoàn toàn tuân thủ những quy định trong INF.
Phát ngôn viên điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, theo kế hoạch, trong ngày 23/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ hội đàm với Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton để nghe đại diện Mỹ làm sáng tỏ lập trường trong “nhiều vấn đề”, với rất nhiều câu hỏi và câu trả lời sẽ được đưa ra. Ngày 22/10, ông Bolton đã có cuộc hội đàm kín kéo dài 90 phút đồng hồ với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, song hai bên đã không thể ra tuyên bố chung do vẫn còn tồn tại những bất đồng chưa thể thu hẹp. Trong một tuyên bố đưa ra trước đó, ông Peskov đã bày tỏ mong muốn của Moscow được lắng nghe ông Bolton làm sáng tỏ lập trường xung quanh những tuyên bố do Tổng thống D.Trump đưa ra về việc Mỹ rút khỏi INF./.