Với nỗ lực chung của hai nước, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì động lực để cải thiện quan hệ song phương.
Hôm nay (25/10), Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bắt đầu chuyến thăm 3 ngày tới Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 40 năm Hiệp ước hòa bình hữu nghị giữa hai quốc gia. Đây cũng là chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Nhật Bản tới Trung Quốc kể từ năm 2011.
Trung Quốc và Nhật Bản thời gian gần đây có một số căng thẳng liên quan đến những vấn đề mang tính lịch sử cũng như tranh chấp lãnh thổ trên biển Hoa Đông. Dù vậy, hai bên đang có nhiều nỗ lực nhằm làm dịu những căng thẳng ngoại giao, thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực nhằm đưa mối quan hệ song phương lên một giai đoạn mới. Trước chuyến thăm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng nhấn mạnh Trung Quốc và Nhật Bản cần chia sẻ trách nhiệm trong việc mang lại hòa bình và ổn định cho khu vực.
Thúc đẩy đối tác hợp tác kinh tế
Tháp tùng ông Abe tới Trung Quốc lần này là đoàn lãnh đạo của khoảng 500 doanh nghiệp. Sự hùng hậu của phái đoàn này cho thấy khá rõ mục tiêu kinh tế của ông Abe trong chuyến thăm.
Chuyến thăm được doanh nghiệp hai bên trông đợi đã 7 năm. Mục đích chính là thúc đẩy hợp tác kinh tế hai bên, bởi lẽ chỉ có hợp tác kinh tế mới có thể cải thiện thực chất quan hệ Nhật-Trung đã bị nguội lạnh trong nhiều năm. Hàng loạt các hợp đồng kinh tế, biên bản ghi nhớ về hợp tác thương mại, đầu tư sẽ được ký kết, mở ra thời kỳ hoạt động mới cho doanh nghiệp hai nước.
Đặc biệt lần này, hai bên sẽ đề cập tới vấn đề ngừng cấp mới đối với các dự án viện trợ vốn ODA của chính phủ Nhật Bản thực hiện trong vòng 40 năm đối với Trung Quốc, mở ra một cuộc đối thoại hợp tác phát tiển trên cơ sở hợp tác bình đẳng, xúc tiến điều chỉnh biện pháp liên kết hỗ trợ nước đang phát triển.
Nhật Bản bắt đầu thực hiện viện trợ ODA cho Trung Quốc vào năm 1979, hỗ trợ Trung Quốc phát triển hạ tầng kỹ thuật và phát triển kinh tế. Trong đó, các dự án viện trợ không hoàn lại đã ngừng cấp mới từ năm 2006.
Đây thực sự là lúc mở ra cơ hội hợp tác giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong các lĩnh vực quan trọng khi Nhật Bản coi Trung Quốc là đối tác hợp tác, chứ không đơn thuần là đối tác viện trợ.
Bảo vệ lợi ích quốc gia
Dư luận cho rằng, nhu cầu tăng cường hợp tác kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản trong thời điểm này là phù hợp với lợi ích của cả hai bên, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có những bước đi ngày càng cứng rắn trong lĩnh vực thương mại.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định rằng quan hệ Nhật-Trung đã bình thường trở lại, còn Thủ tướng Lý Khắc Cường kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đến với Trung Quốc. Hàng loạt các cuộc gặp giữa hai bên diễn ra trong một, hai năm trở lại đây liên quan đến hợp tác kinh tế.
Tại cuộc đối thoại Nhật-Trung diễn ra vừa qua, Nhật Bản cũng đã thuyết phục Trung Quốc thu hồi hoặc nới lỏng các lệnh cấm nhập khẩu đối với các mặt hàng thực phẩm từ 10 tỉnh của Nhật Bản. Bắc Kinh đã đề ra những lệnh cấm trên sau sự cố hạt nhân tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi do thảm họa động đất-sóng thần ở vùng Đông Bắc Nhật Bản hồi tháng 3/2011.
Mặt khác, theo nguồn tin từ một quan chức chính phủ Nhật Bản, Nhật Bản và Trung Quốc cũng đang tích cực nối lại các hoạt động liên quan tới hoán đổi tiền tệ, theo đó, các nhà đàm phán sẽ thảo luận về thoả thuận mới với 30 tỷ USD. Giao dịch hoán đổi tiền tệ sẽ có tiến độ vừa phải nhằm khắc phục những bất đồng trong mối quan hệ của hai nước.
Như vậy, không chỉ đợi đến Tổng thống Mỹ Donald Trump có bước đi cứng rắn bằng việc áp thuế các mặt hàng đối với Trung Quốc hay Nhật Bản thì Tokyo và Bắc Kinh mới thúc đẩy hợp tác kinh tế. Lợi ích quốc gia vẫn luôn song hành trong các chính sách của các nước trong mọi hoàn cảnh và thời gian.
Giải quyết khúc mắc
Bên cạnh mục tiêu kinh tế, chuyến thăm của ông Abe tới Trung Quốc được cho là còn nhằm cải thiện quan hệ chính trị giữa hai quốc gia. Những vấn đề còn khúc mắc giữa hai bên, nhất là tranh chấp trên biển Hoa Đông sẽ được lãnh đạo hai nước đề cập và có những phương án giải quyết cụ thể với phương châm cải thiện toàn diện quan hệ.
Trong chuyến thăm lần này Thủ tướng Nhật Bản sẽ tham gia nhiều cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường…theo các nhà phân tích Trung Quốc thì Trung Quốc rất coi trọng chuyến thăm lần này của Thủ tướng Abe.
Trong ngày 26/10, trong cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai nước, hai bên sẽ thảo luận và điều chỉnh các thỏa thuận để có thể sớm triển khai các cuộc thương lượng hướng tới ký kết thỏa thuận hợp tác khai thác chung các mỏ dầu ở Biển Hoa Đông. Trên thực tế, thỏa thuận này đã được thảo luận từ năm 2008, nhưng do quan hệ hai nước trong những năm qua không được cải thiện khiến bị gián đoạn và không thể đàm phán ký kết.
Hiệp ước hòa bình hữu nghị Nhật – Trung đã được ký kết 40 năm trước, trong đó qui định về việc tôn trọng chủ quyền lãnh thổ của nhau, hỗ trợ nhau trong việc phát triển quan hệ hữu nghị.
Gần đây, quan hệ hai nước đã được cải thiện hơn sau thời gian lạnh lẽo do vấn đề quốc hữu hóa quần đảo Senkaku của Nhật Bản (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư). Tháng 5/2018, Thủ tướng Lý Khắc Cường thăm Nhật Bản và hôm nay Thủ tướng Abe thăm Trung Quốc.
Nhân dịp này hai bên cũng sẽ ký kết các văn bản liên quan đến hợp tác cứu hộ cứu nạn trên Biển.
Tất cả những điều này chứng tỏ hai bên đang nỗ lực hết sức để có thể giải quyết vấn đề khúc mắc liên quan tới tranh chấp ở khu vực biển Hoa Đông. Điều này sẽ có lợi cho cả hai bên khi mà Mỹ gây sức ép về lên các mặt hàng của Nhật Bản và Trung Quốc khi xuất khẩu sang Mỹ. Đây cũng là bước đi khôn ngoan của hai quốc gia nhằm hạn chế sự phụ thuộc lớn vào Mỹ, nhất là trong vấn đề kinh tế. Và chỉ có bắt tay nhau hợp tác mới có thể giải quyết bài toán này.
Chuyến thăm của Thủ tướng Abe tới Trung Quốc diễn ra sau chuyến thăm của Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tới Nhật Bản vào tháng 5 vừa qua. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng dự kiến có chuyến thăm tới Nhật Bản. Với nỗ lực chung của hai nước, chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Bản tới Trung Quốc lần này sẽ tiếp tục duy trì động lực để cải thiện quan hệ song phương./.