Theo Reuters và Tân Hoa xã, ngày 14-11, Quốc hội Sri Lanka rơi vào tình trạng hỗn loạn khi một kiến nghị bất tín nhiệm tân Thủ tướng M.Rajapakse được đưa ra bỏ phiếu. Khi kiến nghị được đưa ra bỏ phiếu, các nghị sĩ thuộc đảng của ông Rajapakse rầm rộ phản đối và tân thủ tướng đã rời phòng họp. Chủ tịch Quốc hội tuyên bố, phần lớn thành viên trong Quốc hội gồm 225 ghế đã ủng hộ kiến nghị bất tín nhiệm ông Rajapakse.
Cùng ngày, cả Thủ tướng bị cách chức R.Wickremesinghe và Thủ tướng mới M.Rajapakse của Sri Lanka tuyên bố tiếp tục giữ vị trí này sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm về tân thủ tướng kết thúc trong sự hỗn loạn tại quốc hội. Thủ tướng bị phế truất cho rằng, chính phủ điều hành trước ngày 26-10 sẽ trở lại nắm quyền và đang thông báo tới cảnh sát và các quan chức nhà nước không tiến hành bất cứ lệnh nào được ban hành bởi một chính phủ “bất hợp pháp”.
* Ngày 13-11, Tòa án tối cao Sri Lanka tuyên bố đình chỉ sắc lệnh giải tán Quốc hội của Tổng thống M.Sirisena, đồng thời ra lệnh ngừng mọi công tác chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sớm dự kiến diễn ra vào ngày 5-1-2019. Phiên tòa đã đưa ra phán quyết này sau khi xem xét đơn khiếu nại của một số chính đảng.
Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Sri Lanka X.A-mu-nu-ga-ma cho biết, chính phủ mới được bổ nhiệm sẽ tuân theo phán quyết của Tòa án tối cao về giải tán quốc hội. Tân bộ trưởng cho rằng, Thủ tướng bị sa thải R.Wickremesinghe có quyền tìm kiếm lời khuyên của Tòa án tối cao về việc này, song cũng chỉ trích ông R.Wickremesinghe gây bất ổn chính trị.
* Một số đảng phái chính trị ở Sri Lankaa đã kháng nghị lên Tòa án tối cao nước này về việc Tổng thống M.Sirisena giải tán quốc hội và kêu gọi bầu cử vào đầu năm tới. Ba đảng lớn gồm Đảng Đoàn kết dân tộc (UNP) của cựu Thủ tướng R.Wickremesinghe, đảng đối lập chính Liên minh Tamil quốc gia (TNA) và đảng cánh tả Mặt trận giải phóng nhân dân (JVP) nằm trong số 10 tổ chức chính trị đã kiến nghị Tòa án tối cao, cho rằng hành động của Tổng thống là bất hợp pháp.