Năm 2018 trở thành năm nóng nhất từ trước tới nay với những diễn biến bất thường của thời tiết. Các đợt nắng nóng cực đoan và lượng mưa ngày càng tăng là hệ quả của biến đổi khí hậu đang ở mức báo động.
Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) nhấn mạnh thời tiết cực đoan, trong đó có nhiệt độ cao kỷ lục cùng các đợt nắng nóng, hạn hán và mưa bão gây hại, đã hoành hành trong nửa đầu của mùa hè tại Bắc bán cầu, dẫn tới những tác động trên diện rộng đối với sức khỏe con người, hệ sinh thái, đồng thời gây thiệt hại cho ngành nông nghiệp, làm hư hỏng cơ sở hạ tầng và dẫn tới nhiều vụ cháy rừng. Mặc dù không thể ngay lập tức quy cho con người là nguyên nhân làm biến đổi khí hậu, từ đó gây ra các đợt nắng nóng hoặc nhiệt độ cực đoan, nhưng những hiện tượng này hoàn toàn khớp với viễn cảnh khoa học đã được dự báo có thể xảy ra dưới tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của đời sống con người. Theo thống kê của WMO, trong 131 nghiên cứu được đăng tải vào giai đoạn 2011-2016 tại các bản tin của Hiệp hội Khí tượng của Mỹ, 65% số nghiên cứu nhận thấy khả năng hiện tượng thời tiết cực đoan chịu tác động đáng kể từ các hoạt động của con người.
Mùa hè vừa qua, WMO đã đưa ra hai khuyến cáo về tình trạng hạn hán và nhiệt độ cao bất thường tại châu Âu. Hiện tượng nắng nóng đỉnh điểm cũng xuất hiện tại Nhật Bản với nền nhiệt độ hơn 350C được ghi nhận hôm 15-7. Quốc gia Đông Á này còn hứng chịu tình trạng lũ lụt và lở đất tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ qua, với rất nhiều kỷ lục mới về lượng mưa hằng ngày. Trước đó, báo cáo đặc biệt năm 2012 về các hiện tượng thời tiết cực đoan của Ủy ban liên Chính phủ về biến đổi khí hậu dự báo khả năng tổng lượng mưa từ các trận mưa lớn sẽ gia tăng trong thế kỷ này tại nhiều khu vực trên thế giới và thay vì dự báo, cứ sau 20 năm mới có một năm lượng mưa đạt đỉnh cao nhất, thì chu kỳ này sẽ giảm xuống còn 20% cho tới một phần mười lăm năm vào cuối thế kỷ XXI tại nhiều khu vực.
Những diễn biến tiêu cực của thời tiết trên toàn cầu trong những năm gần đây cho thấy biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng trầm trọng. Theo Hội Khí tượng cùng Cơ quan Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, năm 2017, ba loại khí thải hàng đầu gây biến đổi khí hậu đều tăng kỷ lục. Trong đó, mật độ trung bình khí các-bon đi-ô-xít (CO2) trên bề mặt trái đất hằng năm đã tăng lên 405 ppm - mức cao nhất trong kỷ lục đo lường khí quyển hiện đại và số liệu ghi chép về lõi băng trong 800 nghìn năm qua. Căn cứ trên số liệu tính toán này, lượng khí thải CO2 toàn cầu đã tăng gần gấp bốn lần so với đầu những năm 60 của thế kỷ XX. Trong năm 2017, một loạt nước như Ác-hen-ti-na, Bun-ga-ri, Tây Ban Nha và U-ru-goay đều đồng loạt trải qua thời tiết nóng kỷ lục. Mê-hi-cô là nước có nhiệt độ tăng kỷ lục trong bốn năm liên tiếp.
Trong khi đó, nhiệt độ bề mặt băng Bắc Cực trong năm 2017 đã tăng 1,60C so với nhiệt độ trung bình giai đoạn 1981 - 2010. Do đó, tình trạng tan băng tiếp diễn, đánh dấu năm thứ 38 liên tiếp xảy ra tình trạng này, khiến mất đi một lượng băng tương đương một đỉnh băng cao 22 m. Tại vùng biển Nam Cực, diện tích băng đã giảm xuống mức thấp kỷ lục. Tình trạng băng tan khiến mực nước biển toàn cầu dâng lên mức cao nhất trong năm 2017 và đây là năm thứ sáu liên tiếp ghi nhận tình trạng này. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhiệt độ tại các đại dương tăng cao đã làm tăng độ ẩm trong không khí, gây ra hiện tượng thời tiết đối lập bất thường ở nhiều nơi trên thế giới.
Tình trạng nắng nóng, hạn hán, mưa kéo dài, lũ lụt xảy ra ở khắp nơi trên thế giới cho thấy những tác động nghiêm trọng của tình trạng biến đổi khí hậu đối với cuộc sống con người. Nếu các nước không đưa ra những mục tiêu rõ ràng và nỗ lực thực hiện cắt giảm lượng khí thải đồng nghĩa với thực tế những thảm họa thiên tai sẽ trở nên phổ biến hơn. Chống biến đổi khí hậu là thách thức mang tính toàn cầu và cần sự chung tay của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến không tiếng súng này.