Ngày 18/12, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi cộng đồng quốc tế tài trợ 2,7 tỷ USD để giúp đỡ người tị nạn Nam Sudan, nhấn mạnh thiếu hụt kinh phí để giải quyết cuộc khủng hoảng tị nạn lớn nhất châu Phi này đã khiến nhiều người dân Nam Sudan phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước sạch và thuốc men.
Theo số liệu của LHQ, sau 5 năm nội chiến tại Nam Sudan, khoảng 2,2 triệu người nước này đã phải di cư sang các nước láng giềng Uganda, Sudan, Ethiopia, Kenya và CHDC Congo. Mặc dù một thoả thuận hoà bình đã được ký kết giữa Chính phủ Nam Sudan và các nhóm phiến quân hồi cuối tháng 9 vừa qua, nhưng Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết những người tị nạn vẫn chưa thể an toàn trở về và những quốc gia mà họ đang tị nạn cần sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Các trường học thiếu giáo viên, thiết bị giảng dạy và học tập cũng như phòng học, khiến một nửa số trẻ em Nam Sudan tị nạn không được đến trường. Các phòng khám y tế không có đủ bác sỹ, y tá và thuốc men. Bên cạnh đó, kinh phí ít ỏi cũng khiến khẩu phần ăn cho người tị nạn bị cắt giảm và nguồn cung nước sạch hạn chế. Năm 2018, UNHCR kêu gọi khoản kinh phí 1,4 tỷ USD cho các hoạt động nhân đạo, nhưng đến nay mới chỉ nhận được 60%.
UNHCR cũng cảnh báo tình trạng bạo lực ở Nam Sudan, đặc biệt tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.
Báo cáo của UNHCR cho biết hơn 65% số phụ nữ và trẻ em gái ở Nam Sudan đã phải trải qua bạo lực tình dục dưới các hình thức khác nhau, cùng với việc chồng của họ bị giết và con cái của họ bị bắt cóc trong quá trình chạy trốn khỏi cuộc nội chiến. Nhiều trường hợp trẻ em bị bắt đi lính, bị bạo lực và chấn thương tâm lý nặng nề.
Đầu tháng này, Tổng thư ký LHQ António Guterres (An-tô-ni-u Gu-tê-rét) đã lên án một loạt vụ tấn công tình dục tàn bạo đối với phụ nữ và trẻ em gái trên đường đến thị trấn Bentiu (Bên-ti-u) ở phía Bắc của Nam Sudan để lánh nạn. Sau vụ tấn công tình dục này, khoảng 125 phụ nữ và trẻ em gái đã được điều trị.
Nam Sudan mới được thành lập 7 năm trước đây. Quốc gia non trẻ nhất thế giới này chìm trong bất ổn và xung đột từ năm 2013 khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng và hơn 1/3 dân số buộc phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn, gây ra một trong những cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất ở châu Phi. Một loạt thoả thuận hoà bình đã được khởi xướng và ký kết giữa hai bên đối địch chính tại Nam Sudan là chính quyền Tổng thống Salva Kiir (Xan-va Ki-a) và lực lượng nổi dậy do cựu phó Tổng thống Riek Machar (Ri-ếch Ma-cha) đứng đầu, nhưng đều bị phá vỡ ngay sau đó, khiến tiến trình hoà bình tại quốc gia châu Phi này liên tục lâm vào bế tắc.
Sau nhiều vòng đàm phán, hồi tháng 9 vừa qua, các bên đối địch tại Nam Sudan đã ký kết một số thoả thuận quan trọng, bao gồm ngừng bắn vĩnh viễn và chia sẻ quyền lực, theo đó cho phép ông Machar được phục hồi chức Phó Tổng thống./.