Kịch bản Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (hay còn gọi là Brexit) mà không có một thỏa thuận nào được thông qua - nếu trở thành sự thật, sẽ tạo ra những thách thức mới trong tương lai, đặc biệt là đối với ngành công nghiệp dịch vụ mang lại lợi nhuận cho nền kinh tế Anh.
Đây là lời cảnh báo do Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra ngày 19/12 khi vạch ra những kế hoạch “dự phòng khẩn cấp” trong trường hợp Brexit trở thành hiện thực mà không có thỏa thuận nào được thông qua. Dự báo trên của EC không phải là không có căn cứ khi chỉ còn 100 ngày nữa sẽ tới thời hạn chót để Brexit phát huy hiệu lực mà cả London lẫn Brussels đều “chưa đạt đủ sự thống nhất” cần thiết, chưa kể tới việc Thủ tướng Anh Theresa May đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi đưa bản thỏa thuận Brexit ra bỏ phiếu thông qua trước Quốc hội.
Một số người cho rằng, việc châu Âu vạch ra bản kế hoạch dự phòng khẩn cấp là nhằm phát đi thông điệp nhằm kêu gọi các ngân hàng, các công ty bảo hiểm, các hãng quản lý tài sản… của liên minh này đưa ra những dự liệu cơ bản để có thể duy trì hoạt động kinh doanh thông thường trong mọi tình huống, ngay cả khi Brexit thành hiện thực mà Anh và Liên minh châu Âu (EU) không thể đưa ra một bản thỏa thuận.
Các biện pháp dự phòng của EU bao trùm 14 lĩnh vực chính sách, đề cập tới những biện pháp giảm thiểu những hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra khi Anh rời khỏi EU mà không đạt được thỏa thuận Brexit vào ngày 29/3/2019. Tuy nhiên, một số quan chức của EC cũng nhấn mạnh rằng, họ không thể ngăn chặn tất cả mọi hậu quả tiêu cực và cũng đã khuyến cáo các công ty không nên bỏ qua bất cứ đề xuất nào trong bản danh sách các đề xuất mà các nhà theo đuổi chủ trương cứng rắn về Brexit đang nắm trong tay. Bản tài liệu này khẳng định một lập trường rõ ràng rằng “thà ra đi một cách đơn giản còn hơn là chấp nhận bản thỏa thuận mà Thủ tướng Theresa May đàm phán”.
Cụ thể, bản kế hoạch dự phòng kêu gọi các nước thành viên EU đưa ra một cách tiếp cận chung liên quan tới việc mở rộng quyền cư trú của các công dân Anh tại EU. Bản kế hoạch của EU cũng đề cập tới việc cho phép các hãng hàng không Anh được thực hiện các chuyến bay tới và rời khỏi EU trong vòng 12 tháng sau Brexit mà không cần có sự chấp thuận của EU hay các nước thành viên có liên quan. Tuy nhiên, các hàng hóa giao thương giữa Anh và EU sẽ phải trải qua thủ tục kiểm tra hải quan sau Brexit.
Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, Phó Chủ tịch EC Valdis Dombrovskis nhấn mạnh: “Chúng tôi đang tính đến những phương án giảm thiểu hậu quả khi không đạt được thỏa thuận Brexit…Tuy nhiên, xét tới những nguy cơ mà nền kinh tế và các công dân của chúng tôi phải đối mặt, thì tôi cho rằng thứ tự ưu tiên đã bộc lộ rõ ràng – việc ở lại vẫn tốt hơn là rời đi, và việc đạt được thỏa thuận vẫn tốt hơn là không có thỏa thuận”.
Cũng theo ông Dombrovskis thì ngoài những khó khăn nêu trên, việc Anh rời EU mà không thông qua thỏa thuận Brexit sẽ khiến London phải đối mặt với những thách thức khi muốn thiết lập một mối quan hệ kinh tế tối ưu với EU trong tương lai./.