Chính phủ Ấn Độ đã đề xuất các sáng kiến với tổng trị giá 12,4 tỷ USD nhằm khuyến khích các nhà máy điện lắp đặt thiết bị giảm ô nhiễm và phát triển hạ tầng cho xe điện.
Theo thông báo của chính phủ nước này, phần lớn số tiền trên sẽ được sử dụng để giảm khí thải lưu huỳnh từ các nhà máy điện, phần còn lại dùng để phát triển hạ tầng cho xe điện tại 70 thành phố trong vòng 5 năm, tính đến năm 2025.
Trong đó, sáng kiến phát triển hạ tầng cho xe điện là một phần nỗ lực của Ấn Độ nhằm khuyến khích người dân sử dụng hoàn toàn xe điện vào năm 2030.
Chính phủ nước này trước đó đã kéo dài thời hạn chót cho các nhà máy điện đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải tới năm 2023 thay vì cuối năm 2017. Các nhà máy nhiệt điện chiếm 80% lượng khí thải công nghiệp dạng hạt, lưu huỳnh và khí N2O ở Ấn Độ, vốn gây ra các bệnh về phổi, mưa a-xít và khói bụi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khói mù cướp đi sinh mạng của hơn một triệu người Ấn Độ mỗi năm và thủ đô New Delhi bị ô nhiễm không khí nặng nhất trong số các thành phố lớn trên toàn cầu.
Tháng 11/2018, chỉ số ô nhiễm không khí ở New Delhi đã đạt mức báo động, gấp 35 lần ngưỡng an toàn. Chỉ số PM2.5, loại bụi siêu vi có thể xâm nhập vào phổi và máu ở Delhi thường cao gấp 30 lần ngưỡng giới hạn an toàn.
Tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng nhất thường rơi vào mùa lễ Diwali, lễ hội truyền thống lớn nhất Ấn Độ. Đây là lúc khói từ hoạt động đốt hàng triệu cây pháo hoa ăn mừng lễ hội trộn lẫn với khí thải từ phương tiện giao thông, nhà máy, bụi xây dựng và khói đốt rơm rạ. Chỉ số các tác nhân ô nhiễm có thể cao tới mức thiết bị đo không thể ghi nhận.
Cũng theo WHO, trẻ em, người cao tuổi và những người mắc bệnh về hô hấp như hen suyễn là bộ phận dân số chịu hậu quả lớn nhất từ tình trạng khói mù.
Mặc dù các nỗ lực của chính quyền nhằm giải quyết tình trạng khói mù vẫn được áp dụng mỗi khi mùa đông đến nhưng chúng đều không hiệu quả. Một số các biện pháp đó là cấm thi công, cắt giảm phương tiện giao thông và nghiêm cấm sử dụng máy phát điện dùng dầu diesel.