Ngày 14/2, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bày tỏ lo ngại cuộc chiến ngăn chặn sự lây lan của bệnh sởi đang bị thụt lùi trong bối cảnh số ca mắc phải căn bệnh này trên thế giới đã tăng gần 50% trong năm 2018.
Qua các thống kê sơ bộ, WHO cho rằng xu hướng các trường hợp mắc sởi gia tăng đang diễn ra ở cấp độ toàn cầu và các nước giàu có, nơi tỉ lệ tiêm vaccine thường cao, cũng không phải ngoại lệ.
Theo TTXVN, bà Katherine O'Brien, Giám đốc phụ trách về miễn dịch, tiêm chủng và sinh học của WHO, cảnh báo: "Chúng ta đang thụt lùi trên sự tiến bộ mà con người tạo ra. Chúng ta thụt lùi không phải vì không có công cụ phòng tránh mà là do thất bại trong chiến dịch vận động tiêm chủng". Đây là điều đáng quan ngại bởi bệnh sởi, theo khuyến cáo của WHO, có thể dễ dàng phòng tránh bằng việc tiêm 2 liều vaccine "an toàn và có hiệu quả" vốn đã được sử dụng từ những năm 60 của thể kỷ trước.
Theo bà Katrina Kretsinger, người đứng đầu chương trình tiêm chủng mở rộng của WHO, cho đến năm 2016, số ca mắc bệnh sởi có xu hướng tăng nhẹ, song đến năm 2017 thì đã tăng vọt. Bà chỉ rõ các đợt bùng phát dịch sởi tập trung chủ yếu tại Ukraine, Madagascar, CHDC Congo, Chad và Sierra Leone. Chỉ tính riêng tại Madagascar, từ tháng 10/2018 đến tháng 2/2019, tổng cộng đã có gần 67.000 ca mắc bệnh sởi và hơn 920 trường hợp tử vong. Bà Kretsinger nhấn mạnh đối với những nước nghèo, hay các quốc gia chìm trong xung đột, việc tiếp cận với vaccine khó khăn là nguyên nhân khiến gia tăng các ca mắc sởi.
Trong khi đó, tại châu Âu hay các nước có thu nhập cao, xu hướng có nhiều người mắc sởi chủ yếu do quan điểm sai lệch về việc tiêm vaccine và thái độ chủ quan về hệ miễn dịch của mình. Điều đáng nói hơn, tại một số quốc gia, đang nổi lên phong trào cái gọi là "nói không với vaccine". Tình trạng này xuất phát từ thông tin về việc tiêm vaccine ngăn ngừa sởi có thể bị mắc bệnh tự kỷ, vốn được lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội.
Theo các chuyên gia WHO, có nhiều đợt bùng phát dịch sởi kéo dài, diễn ra trên quy mô lớn và có nguy cơ lây lan nhanh, song chỉ chưa tới 10% số ca mắc sởi hiện nay được ghi nhận. Tuy nhiên, với tỉ lệ các ca mắc sởi tăng 50%, thì rõ ràng nỗ lực ngăn chặn căn bệnh này đang bị chệch hướng và số ca mắc bệnh trên thực tế phải lên tới hàng triệu người. Các quốc gia trên thế giới có thời hạn đến tháng 4 này để thông báo về số trường hợp mắc sở trong năm 2018. Tuy nhiên, theo bà O'Brien, thống kê về số người mắc bệnh sởi trong năm 2018 mà WHO nhận được cho tới nay chỉ dừng ở mức 230.000 người. WHO ước tính bệnh sởi là nguyên nhân khiến 136.000 người tử vong trong năm ngoái.
Sởi là bệnh nhiễm virus cấp tính đặc trưng ở giai đoạn cuối bằng ban dạng dát-sẩn xuất hiện tuần tự từ cổ, mặt, ngực, thân, chân tay kèm theo sốt cao. Bệnh dễ lây nhiễm qua tiếp xúc nước mũi, nước bọt người bệnh. Bệnh sởi có thể gây mất thính lực, rối loạn chức năng não ở trẻ em và thậm chí có thể gây tử vong cho người bệnh./.