Lâu nay, việc một số nước, một số tổ chức, cá nhân cho rằng không gian Internet phải được tự do, không bị hạn chế đã và đang bị cộng đồng quốc tế phản đối mạnh mẽ. Nhất là trong thời gian gần đây, các phần tử khủng bố, các đối tượng có hành vi bạo lực, chống chính quyền… sử dụng Internet để kêu gọi, tán phát các hành động của mình, đã gây ra sự bất an cho xã hội.
Hôm 15/3, kẻ xả súng đẫm máu tại đền thờ Hồi giáo Nal Noor ở thành phố Christchurch (New Zealand) làm cho 50 người thiệt mạng, đã phát trực tiếp hình ảnh vụ tấn công trên tài khoản Facebook trong 17 phút bằng cách sử dụng một ứng dụng được thiết kế cho những người đam mê thể thao.
Trước diễn biến nguy hiểm đó, nhiều nước đã có những biện pháp cứng rắn để xử lý những đối tượng vô tình hoặc cố ý tán phát các thông tin, video bạo lực trên mạng Internet.
Ngày 18/3, một tòa án ở New Zealand đã bác đề nghị xin nộp tiền bảo lãnh của một nam thanh niên 18 tuổi sau khi đối tượng này bị đưa ra xét xử với cáo buộc phát tán video truyền trực tiếp vụ xả súng đẫm máu tại đền thờ Hồi giáo Nal Noor. Ngoài ra, đối tượng này còn đăng một bức ảnh chụp một đền thờ bị tấn công với thông điệp "trúng mục tiêu" cùng với các tin nhắn mang tính "kích động bạo lực cực đoan".
Cơ quan công tố New Zealand cho biết đối tượng này đối mặt với bản án lên tới 14 năm tù đối với mỗi tội danh trên.
Đặc biệt, cũng trong ngày 18/3, Thủ tướng Australia Scott Morison đã gửi thư cho Chủ tịch G20, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đề nghị đưa vấn đề quản trị truyền thông xã hội là một nội dung nghị sự hàng đầu trong cuộc họp của các nhà lãnh đạo nhóm vào tháng 6 tới đây.
Trong lá thư, Thủ tướng Australia đặt câu hỏi về “vai trò không bị hạn chế của các công nghệ Internet” trong vụ thảm sát ở thành phố Christchurch, New Zealand và các cuộc tấn công khủng bố khác.
Thủ tướng Morison kêu gọi các nhà lãnh đạo G20 bảo đảm rằng có “những hậu quả rõ ràng” không chỉ đối với những kẻ thực hiện các hành động bạo lực như vậy, mà còn đối với những kẻ tạo điều kiện cho chúng.
Liên quan đến các hãng công nghệ khổng lồ như Facebook, Twitter và Google, ông Morrison nhấn mạnh ngành công nghiệp này bắt buộc phải hành động nhanh chóng hơn trong việc xóa bỏ các nội dung “kích động, bình thường hóa, tuyển dụng, tạo thuận lợi hoặc thực hiện các hoạt động khủng bố và bạo lực”. Thủ tướng Australia nhấn mạnh: “Không thể chấp nhận được việc coi Internet là một không gian không được kiểm soát”.
Cùng ngày, Cơ quan truyền thông và thông tin Australia (ACMA) đã chính thức mở cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật của các mạng lưới phát tán lên mạng đoạn video truyền trực tiếp hoặc đăng hình ảnh vụ xả súng tại New Zealand.
Theo ACMA, cuộc điều tra chính thức của cơ quan này sẽ liên quan tới nội dung phát sóng trực tiếp của các đài truyền hình thương mại, quốc gia và truyền hình trả tiền.
Chủ tịch ACMA Nerida O'Loughlin sẽ đề nghị giám đốc điều hành các hãng truyền hình cung cấp "thông tin khẩn cấp về tính chất, quy mô và ấn định thời gian phát sóng nội dung liên quan tới các vụ xả súng, nhất là vào ngày xảy ra vụ tấn công".
ACMA sẽ họp với các cơ quan công nghiệp để thảo luận xem liệu các quy định hiện hành có "đủ để bảo vệ" công chúng trước các nội dung mang tính bạo lực như vậy. ACMA có thẩm quyền áp đặt mức phạt đối với những hãng vi phạm luật phát sóng của cơ quan này.
Trong một diễn biến liên quan, Facebook cho biết họ đã xóa 1,5 triệu video trên toàn cầu về vụ tấn công nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand trong 24 giờ đầu tiên sau vụ tấn công.
Facebook cho biết họ cũng đang gỡ bỏ tất cả các phiên bản chỉnh sửa của video không thể hiện nội dung đồ họa vì sự tôn trọng đối với những người bị ảnh hưởng bởi vụ xả súng và mối quan tâm của chính quyền địa phương.