Hội nghị cấp cao đại dương toàn cầu lần thứ sáu đã khai mạc trong ngày 5-3, tại Abu Dhabi, thủ đô của Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất (UAE). Đây là lần đầu tiên hội nghị quốc tế này diễn ra tại khu vực Trung Đông.
Hội nghị cấp cao đại dương toàn cầu năm 2019 diễn ra dưới sự bảo trợ của Thái tử UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan. Hội nghị này tạo ra diễn đàn cho hơn 500 đại biểu, trong đó có các nhà lãnh đạo, chính khách, nhà hoạch định chính sách, nhà khoa học của hơn 26 quốc gia thảo luận về vấn đề bảo vệ đại dương.
Hội nghị kéo dài ba ngày nhằm tăng cường hợp tác giữa các khu vực và kết nối thế giới bằng những ý tưởng mới và triển vọng thúc đẩy nền kinh tế xanh lam bền vững, cũng như tìm ra phương pháp mới để giảm nhẹ những tác động có hại từ sức ép của con người đối với đại dương.
Bình luận về sự kiện này, Bộ trưởng Ngoại giao UAE Sheikh Abdullah bin Zayed cho rằng, Hội nghị cấp cao đại dương toàn cầu tại Abu Dhabi đánh dấu cơ hội quan trọng đối với UAE khi nước này được tiếp đón các đại biểu tham gia hội nghị quốc tế đầu tiên về đại dương tại Trung Đông. Sự kiện này mang đến cơ hội vô giá để UAE thể hiện khả năng lãnh đạo trong việc bảo vệ môi trường biển.
“Thúc đẩy sự phát triển bền vững của đại dương là ưu tiên mang tính then chốt của UAE khi chúng tôi nỗ lực bảo đảm rằng sự phát triển kinh tế nhanh chóng sẽ không gây hại đến đa dạng sinh học biển và các hệ sinh thái tự nhiên, hai yếu tố vô cùng quan trọng nhằm duy trì sinh kế của các cộng đồng sống ven biển ở UAE”, ông Zayed nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Ngoại giao UAE, chỉ số tình trạng đại dương cho thấy, nước này đang quản lý vùng biển có “sức khỏe” tốt nhất trong khu vực.
Phát biểu ý kiến trước các đại biểu tham gia hội thảo về nền kinh tế xanh lam của UAE trong khuôn khổ Hội nghị nêu trên, Giám đốc điều hành Cơ quan môi trường Abu Dhabi, bà Razan Al Mubarak cảnh báo, vùng Vịnh sẽ là khu vực rất dễ bị ảnh hưởng khi nhiệt độ toàn cầu tăng. Bà cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những nỗ lực chung nhằm bảo vệ các hệ sinh thái biển vốn rất cần cho sự sống.
Hằng năm con người xả gần 13 triệu tấn chất thải nhựa ra các đại dương trên thế giới, trong khi trữ lượng cá bị đánh bắt đang ở mức độ gây mất ổn định về mặt sinh học. Do đó, các đại dương cần được bảo vệ khẩn cấp thông qua sự hợp tác của các quốc gia, khu vực và toàn thế giới.