Triển vọng cho cây cà-phê ở châu Phi

08:35, 03/03/2019

Sản phẩm cà-phê ở châu Phi đang đứng trước triển vọng chiếm lĩnh thị trường toàn cầu trong những năm tới, trong bối cảnh nhu cầu người tiêu dùng ngày càng tăng. Tuy nhiên, để thích ứng thị trường cà-phê thường không ổn định về giá cả, các quốc gia châu Phi vẫn cần nhiều chính sách phù hợp để nắm bắt cơ hội này.

Tại Hội nghị và Triển lãm cà-phê châu Phi lần thứ 17, vừa diễn ra tại thủ đô Ki-ga-li của Ru-an-đa, nhiều chuyên gia đánh giá, ngành sản xuất cà-phê châu Phi có thể tăng hơn hai triệu bao mỗi năm trong vòng 5 năm tới, do việc trồng trọt ở hầu hết các nước sản xuất cà-phê như Ê-ti-ô-pi-a, Cốt Ði-voa, U-gan-đa, Kê-ni-a, Ru-an-đa và Tan-da-ni-a tăng mạnh. Các chuyên gia cũng cho rằng, sản phẩm cà-phê của châu Phi có nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường toàn cầu trong những năm tới, vì có không ít quốc gia ở châu lục này chủ động nâng cao chất lượng sản xuất.

Lượng tiêu thụ cà-phê đang bùng nổ trên toàn cầu. Trong bối cảnh các quốc gia sản xuất cà-phê lớn như Bra-xin và các nước Mỹ la-tinh phải đối mặt những thách thức liên quan môi trường và các bệnh trên cây cà-phê, khiến sản lượng cà-phê sụt giảm, châu Phi lại có nhiều cơ hội thuận lợi để tăng sản lượng và xuất khẩu loại sản phẩm này. Theo bà R.Xtút, Giám đốc khu vực của Rainforest Alliance, tổ chức chuyên cấp chứng nhận cho các công ty cà-phê có trụ sở tại Mỹ, các loại cà-phê hạt chất lượng tốt của châu Phi đang giành được nhiều thiện cảm trên thị trường toàn cầu.

Theo giới chuyên gia, việc chú trọng sản xuất cà-phê đặc sản là một trong những hướng đi giúp các nước châu Phi bảo đảm doanh thu. Người tiêu dùng trên thế giới ngày nay sẵn sàng trả giá cao hơn cho các sản phẩm có chất lượng. Ông X.Ga-ta-rai-ha, Giám đốc bộ phận cà-phê của Hội đồng phát triển xuất khẩu nông nghiệp quốc gia (NAEB) của Ru-an-đa cho biết, cà-phê đặc sản chiếm khoảng 60% tổng sản lượng cà-phê của quốc gia này. Ru-an-đa xuất khẩu 23.000 tấn cà-phê trong năm tài chính 2017-2018, thu về 67 triệu USD, hiện nước này đang hướng tới mục tiêu thu về 75 triệu USD bằng việc xuất khẩu 24.500 tấn trong năm tài chính hiện tại.

Ê-ti-ô-pi-a, một trong những quốc gia sản xuất cà-phê lớn nhất châu Phi, hiện cũng tích cực thực hiện hàng loạt cải cách trong quy trình sản xuất và tiếp thị cà-phê. Các chính sách này được kỳ vọng có thể làm tăng gấp ba lần sản lượng cà-phê trong 5 năm tới. Giới chức Ê-ti-ô-pi-a cho hay, các cây cà-phê lâu năm chiếm khoảng 60% diện tích trong tổng số một triệu ha sản xuất, trong khi đó, 1,5 triệu ha khác chuẩn bị cho thu hoạch. Sản lượng cà-phê của Ê-ti-ô-pi-a có thể tăng từ 1,2 triệu tấn lên 1,8 triệu tấn vào năm 2024.

Theo ông I.Lu-ken-ghe, Chủ tịch Hiệp hội các loại cà-phê châu Phi (AFCA), nhu cầu sử dụng cà-phê châu Phi có xu hướng tăng, một phần nhờ “lục địa đen” làm tốt công việc quảng bá các sản phẩm cà-phê đặc sản của mình thời gian qua. Ở Mỹ và châu Âu, cứ hai cốc cà-phê được tiêu thụ thì gần một cốc có xuất xứ từ châu Phi. Bên cạnh đó, các nước sản xuất cà-phê châu Phi đã hợp lý hóa toàn bộ chuỗi giá trị chuẩn bị cho hoạt động xuất khẩu, điều này làm tăng khả năng của châu lục trong việc đáp ứng nhu cầu cà-phê ngày càng tăng.

Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), châu Phi hiện chiếm gần 12% sản lượng cà-phê toàn cầu. Các loại hạt cà-phê đặc sản châu Phi đang được nhiều người sành cà-phê yêu thích. Tiêu thụ cà-phê trên thế giới dự kiến cũng sẽ tăng thêm một phần ba vào năm 2030, lên tới gần 200 triệu bao, do sự gia tăng số dân và mức thu nhập.

Châu Phi có cơ hội lớn để chiếm lĩnh thị trường cà-phê toàn cầu trong tương lai gần. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, thị trường cà-phê trải qua nhiều biến động, do đó, các nhà hoạch định chiến lược của châu Phi cần có những chính sách hợp lý, trong đó cần đầu tư cho các sản phẩm tốt, nhằm mang lại giá trị đặc biệt cho thương hiệu cà-phê chất lượng của “lục địa đen”.