Trong cuộc họp báo chính thức đêm 23/4, Chủ tịch Cơ quan Bầu cử quốc gia Ai Cập Ibrahim Lashin đã thông báo, hơn 88,83% cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp. Trong khi, 11% bỏ phiếu chống và 3,6 % phiếu bầu không hợp lệ.
Cụ thể có hơn 27 triệu cử tri Ai Cập trong số hơn 61,3 triệu cử tri ở trong và ngoài nước đi bỏ phiếu (với tỉ lệ hơn 44%), trong đó có hơn 23,4 triệu phiếu ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp. Cuộc trưng cầu ý dân đã diễn ra trong bầu không khí tự do, dân chủ. Cơ quan Bầu cử quốc gia Ai Cập khẳng định, cuộc bầu cử được giám sát chặt chẽ bởi các thẩm phán và nhân viên tư pháp, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức phi chính phủ, cơ quan truyền thông trong nước và quốc tế.
Chủ tịch Cơ quan Bầu cử quốc gia Ai Cập Ibrahim Lashin nhấn mạnh: “Cuộc trưng cầu sửa đổi Hiến pháp đã thể hiện ý chí tự do trong một môi trường dân chủ, vì một tương lai của đất nước và yêu cầu phát triển của cuộc sống. Các cử tri đã đi bỏ phiểu thể hiện sự quan tâm lớn tới tương lai phát triển của đất nước và thể hiện sự đoàn kết dân tộc. Chúng ta cũng gửi một thông điệp với thế giới về sự dân chủ của Ai Cập”.
Trong các ngày từ 19-22/4, cử tri Ai Cập ở trong và ngoài nước đã đi bỏ phiếu ‘đồng ý’ hoặc ‘không’ với việc sửa đổi Hiến pháp 2014 đã được Quốc hội phê chuẩn trước đó. Các nội dung sửa đổi như kéo dài nhiệm kỳ Tổng thống lên sáu năm, Tổng thống không phục vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, phân bổ 25% số ghế trong Quốc hội cho các ứng cử viên là nữ, lập cơ quan Thượng viện và bổ nhiệm Phó Tổng thống…
Với kết quả này, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi sẽ kéo dài nhiệm kỳ hiện tại tới năm 2024 và có thể tiếp tục tranh cử nhiệm kỳ sau đó đến năm 2030./.