Sáng kiến xây dựng mạng lưới thành phố thông minh của các nước ASEAN đang được triển khai mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống người dân dựa trên nền tảng kinh tế số. Tuy nhiên, lộ trình này đối mặt không ít thách thức như hạn chế về nguồn vốn, năng lực công nghệ yếu…, đòi hỏi sự nỗ lực và phối hợp nhịp nhàng của chính phủ các nước nhằm phát huy tính hiệu quả của mô hình thành phố hiện đại này.
Mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN (ASCN) là một sáng kiến do Singapore đề xuất, với 26 thành phố từ các quốc gia thành viên tham gia thí điểm. Một số thành phố tham gia sáng kiến nêu trên gồm Bangkok, Chon Buri và Phuket (Thái-lan); Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng (Việt Nam); Mandalay, Naypyidaw và Yangon (Myanmar)… ASCN là một nền tảng hợp tác, trong đó, các thành phố trong mạng lưới sẽ hợp tác cùng nhau, hướng tới ba mục tiêu là tạo ra nền kinh tế cạnh tranh, môi trường bền vững và chất lượng cuộc sống cao, dựa trên nền tảng là ứng dụng công nghệ.
Trong khuôn khổ ASCN, nhiều quốc gia Đông - Nam Á đã triển khai hiệu quả các dự án thành phố thông minh tại nước mình. Thái-lan đang thúc đẩy kế hoạch chuyển đổi nền kinh tế thành hệ thống sinh thái số hóa, với mục tiêu xây dựng hơn 100 thành phố thông minh trong hơn hai thập niên tới. Thành phố Phuket, một trong ba thành phố tham gia ASCN của Thái-lan, đang áp dụng các biện pháp an ninh dựa trên ứng dụng thông minh như lắp đặt hệ thống camera theo dõi trên đường phố hay trên biển, lắp đặt hệ thống cảm biến đo được sự thay đổi về môi trường biển… Trong khi đó, tại Indonesia, có 10 thành phố đã áp dụng thẻ thông minh để cung cấp các dịch vụ xã hội tích hợp.
Ngay từ khi mới ra đời, sáng kiến xây dựng mạng lưới thành phố thông minh ở ASEAN đã nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của giới chuyên gia khu vực. Bởi, các dự báo chỉ ra rằng, khoảng 90 triệu người dân sẽ chuyển từ các khu vực nông thôn đến các thành thị trên khắp khu vực ASEAN vào năm 2030, dẫn đến một áp lực nặng nề đối với môi trường, cơ sở hạ tầng, hệ thống xử lý rác thải và vệ sinh cơ bản tại các thành phố. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của ASCN chắc chắn sẽ góp phần quan trọng giải quyết những thách thức khi quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.
Tuy nhiên, con đường xây dựng mạng lưới các thành phố thông minh tại ASEAN vẫn còn nhiều gian truân. Do việc truy cập in-tơ-nét là điều kiện bắt buộc cho nên việc các quốc gia ASEAN có sự khác biệt về trình độ công nghệ cũng là một rào cản đối với sự hợp tác. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư là một vấn đề lớn. Cơ quan Thúc đẩy kinh tế số (DEPA) của Thái-lan cho biết, khả năng tiếp cận vốn là trở ngại lớn đối với việc phát triển thành phố thông minh ở các nước Đông - Nam Á, do các nước này phải vật lộn tìm kiếm các nguồn đầu tư cho những dự án cơ sở hạ tầng chi phí cao. Hiện, DEPA đang hối thúc chính quyền các thành phố của Thái-lan hợp tác chặt chẽ với khu vực tư nhân theo hình thức đối tác công - tư (PPP), nhằm bảo đảm vốn cho các dự án phát triển đô thị thông minh. Thiếu hụt nguồn nhân lực cũng là một lý do khiến ASEAN gặp khó khăn trong việc khai thác cơ hội từ nền kinh tế kỹ thuật số. Theo công ty tư vấn quản lý Bain & Company có trụ sở tại Mỹ, hiện 45% số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực ASEAN thiếu hụt kiến thức về công nghệ số.
Thời gian qua, các nước ASEAN đã có nhiều hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, tiềm năng và kế hoạch triển khai mạng lưới thành phố thông minh tại mỗi quốc gia. Mạng lưới này là công cụ để gắn kết các thành phố trong khu vực, mang đến cuộc sống hiện đại và chất lượng cao cho người dân. Song, để hiện thực hóa những cơ hội đến từ các thành phố thông minh, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ các nước, sự chung tay góp sức của khu vực tư nhân, cũng như sự phát triển trong nhận thức của cộng đồng dân cư khu vực Đông - Nam Á.