Những thách thức của tân Tổng thống Litva

13:58, 11/06/2019

Nhà kinh tế G.Nauseda, 55 tuổi, là ứng cử viên giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Litva vừa qua, vượt qua đối thủ là cựu Bộ trưởng Tài chính theo đường lối bảo thủ I.Simonyte. Ông G.Nauseda sẽ kế nhiệm Tổng thống đương nhiệm D.Grybauskaite, đồng hành cùng quốc gia vùng Ban-tích này nỗ lực vượt qua những thách thức trong nhiệm kỳ tới.  

Trong vòng một của cuộc bầu cử tổng thống, không có ứng cử viên nào giành hơn 50% số phiếu ủng hộ để đắc cử. Giống như kết quả các cuộc thăm dò trước đó, hai ứng cử viên giành số phiếu cao nhất, cùng đi tiếp vào vòng hai là bà I.Simonyte và ông G.Nauseda. Ngay sau khi kết quả bỏ phiếu được công bố, ứng cử viên đứng thứ ba là Thủ tướng theo đường lối trung tả S.Skvernelisđã tuyên bố từ chức vào tháng 7 tới, cùng thời điểm bà D.Grybauskaite kết thúc nhiệm kỳ thứ hai.

Theo kết quả kiểm phiếu sơ bộ vòng hai, ông G.Nauseda nhận được 72% số phiếu ủng hộ, bỏ xa bà I.Simonyte với 28% số phiếu. Phát biểu sau khi tuyên bố giành thắng lợi, ông G.Nauseda cam kết sẽ thay đổi tình hình chính trị tại Litva để người dân có cuộc sống tốt đẹp hơn. Ông G.Nauseda nhấn mạnh, nhiệm vụ trên cương vị mới là đoàn kết người dân Litva bất kể họ sinh sống ở đâu. Ông G.Nauseda cũng cam kết duy trì lập trường cứng rắn của Tổng thống D.Grybauskaite. Về phần mình, cựu Bộ trưởng Tài chính I.Simonyte chúc mừng ông G.Nauseda và tuyên bố tôn trọng kết quả bầu cử.

Trong suốt quá trình tranh cử, ông G.Nauseda và bà I.Simonyte đều muốn nâng thuế thu nhập để tăng chi tiêu ngân sách cho các vấn đề xã hội, điều mà người dân Litva đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, Thủ tướng S.Skvernelislại muốn cắt giảm thuế là chính sách nổi bật của chính phủ mới. Có thể thấy, các chính sách tập trung vào vấn đề xã hội là điều mà người dân Litva mong muốn ở nhà lãnh đạo mới. Trong chiến dịch tranh cử, ông G.Nauseda cam kết giúp doanh nghiệp Litva mở rộng tại các thị trường phát triển, cũng như yêu cầu chính phủ tăng thu nhập và hỗ trợ cho các dịch vụ xã hội như hưu trí. Ứng cử viên đắc cử tổng thống cũng muốn tìm cách giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong nhiều năm qua, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Về đối ngoại, ông G.Nauseda ủng hộ tư cách thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Ðại Tây Dương (NATO) và Liên hiệp châu Âu (EU) của Litva. Ông G.Nauseda giành chiến thắng trong cuộc bầu cử cho thấy sự ủng hộ của cử tri Litva với những chính sách mà ông theo đuổi.

Theo Hiến pháp Litva, tổng thống chịu trách nhiệm đề ra các chính sách đối ngoại và an ninh; có quyền bổ nhiệm thủ tướng và các quan chức cấp cao như bộ trưởng, thống đốc ngân hàng trung ương, người đứng đầu quân đội, tuy nhiên thường tham vấn quốc hội, thủ tướng; phủ quyết luật được thông qua bởi quốc hội.

Thách thức đầu tiên của tân Tổng thống Litva là giải quyết những bất ổn chính trị trong chính phủ bởi Thủ tướng S.Skvernelissẽ từ chức vào tháng 7 tới, cùng thời điểm ông G.Nauseda bắt đầu nhiệm kỳ. Trong chiến dịch tranh cử và trong bài phát biểu tuyên bố giành thắng lợi, ông G.Nauseda nhấn mạnh tư cách ứng cử viên độc lập, theo đó ông chưa liên kết với đảng nào. Với ít kinh nghiệm về chính trị, ông G.Nauseda sẽ gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ phía các đảng tại Litva. Tuy nhiên, điều này cũng mở ra khả năng hợp tác với nhiều đảng, tránh chia rẽ trong Chính phủ Litva nhiệm kỳ tới. Theo truyền thông Litva, một cuộc tổng tuyển cử sớm hoặc chính phủ thiểu số đều có khả năng xảy ra.

Nền kinh tế tại Litva được dự báo sẽ tăng trưởng trong năm nay, nhưng tỷ lệ người dân có nguy cơ nghèo đói cao và sự chênh lệch giàu nghèo gia tăng vẫn là những thách thức lớn với quốc gia này. Litva nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ bất bình đẳng thu nhập cao nhất trong EU, chỉ xếp sau Bun-ga-ri. Tình hình kinh tế, xã hội Litva hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức với tổng thống nhiệm kỳ tới.

Tân Tổng thống Litva sẽ có nhiệm vụ sớm ổn định tình hình chính trị và thực hiện những cam kết, đáp ứng nguyện vọng của các cử tri nhằm cải thiện cuộc sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế đồng thời kiểm soát tình trạng bất bình đẳng thu nhập, duy trì đường lối cứng rắn trong chính sách đối ngoại.