Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 17/7 nêu rõ sự bùng phát của dịch Ebola tại Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đang là một tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng và được quốc tế đặc biệt quan tâm.
Trong tuyên bố được đưa ra, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng Giám đốc WHO cho biết: “Đã đến lúc cả thế giới cần phải học hỏi và nỗ lực gấp đôi. Chúng ta phải hợp tác với nhau để đoàn kết với CHDC Congo nhằm chấm dứt dịch bệnh này và xây dựng một hệ thống y tế tốt hơn". Ông nhấn mạnh những nỗ lực phi thường đã được thực hiện trong gần một năm qua, tuy nhiên tất cả các bên, không chỉ WHO mà còn cả các chính phủ, đối tác và cộng đồng, cần chia sẻ nhiều gánh nặng hơn nữa.
WHO định nghĩa tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng là "một sự kiện bất thường" cấu thành "nguy cơ sức khỏe cộng đồng đối với các quốc gia khác thông qua sự lây lan rộng rãi của căn bệnh" và "cần phải có phản ứng của quốc tế phối hợp".
Tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được WHO tuyên bố sau khi Ủy ban khẩn cấp của Cơ quan y tế quốc tế về bệnh cúm Ebola ở CHDC Congo tổ chức một cuộc họp ở Geneva để thảo luận về việc liệu dịch có gây ra mối lo ngại quốc tế hay không. Cuộc họp là lần thứ tư ủy ban triệu tập để xem xét ổ dịch.
Ủy ban đã chỉ rõ sự phát triển gần đây của dịch Ebola ở CHDC Congo, trong đó trường hợp được xác nhận đầu tiên ở Goma, một thị trấn có gần 2 triệu người ở biên giới với Rwanda, và đó là một điểm nhập cảnh lớn nhất giữa quốc gia ở châu Phi hạ Sahara và thế giới.
Ủy ban bày tỏ thất vọng về sự chậm trễ tài trợ đã làm hạn chế những phản ứng với Ebola. Các thành viên ủy ban cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ sinh kế của những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh bằng cách giữ cho các tuyến đường giao thông và biên giới mở. Theo quan điểm của họ, điều cần thiết là phải tránh các hậu quả kinh tế trừng phạt của việc hạn chế đi lại và thương mại đối với các cộng đồng bị ảnh hưởng.
Ngoài ra, Bộ Y tế CHDC Congo cho biết dịch Ebola ở Congo hiện là dịch bệnh gây chết người lớn thứ hai trên thế giới với hơn 1.670 người đã nhiễm virus kể từ ngày 1/8/2018, trong khi hơn 2.500 người đã đổ bệnh. Trước đó, từ năm 2014 – 2016, dịch Ebola ở Tây Phi đã cướp đi sinh mạng của 11.300 người.
Đây là lần thứ 5 WHO phải công bố sự lan rộng của một căn bệnh ở cấp độ "tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu", tức nguy cơ bệnh có thể lan ra khắp thế giới, và việc công bố như vậy nhằm mục đích có được sự ủng hộ cả về chính sách và tài chính của nhiều nước để đối phó với dịch bệnh./.