Đầu tháng 7 vừa qua, chương trình giám sát biến đổi khí hậu trái đất đặt tại châu Âu có tên là Copernicus, đã công bố các dữ liệu cho thấy, tháng 6/2019 là thời điểm nóng nhất trong số các tháng 6 trong lịch sử của thế giới.
1 tháng sau, chương trình này lại tiếp tục công bố các dữ liệu cho thấy, tháng 7/2019 là tháng 7 nóng nhất trong lịch sử.
Trong thông cáo được công bố hôm 5/8, ông Jean-Noël Thépaut, giám đốc chương trình Copernicus khẳng định, tháng 7 thường là tháng nóng nhất trong năm trên toàn thế giới, tuy nhiên, theo dữ liệu mà chương trình này thu thập được, tháng 7/2019 cũng là tháng nóng nhất chưa từng ghi nhận trong lịch sử.
Tình trạng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính tiếp diễn và tác động của tình trạng nhiệt độ trái đất tiếp tục tăng lên sẽ khiến cho các kỷ lục về nắng nóng có thể tiếp tục bị phá vỡ trong thời gian tới.
Theo dữ liệu của chương trình Copernicus, nhiệt độ trong tháng 7 năm nay tăng thêm 0.04 độ C so với tháng 7/2016, trong khi tháng 7/2016 đã được ghi nhận là tháng có nhiệt độ cao kỷ lục do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Chương trình Copernicus cũng cho rằng, sự chênh lệch nhiệt độ giữa hai thời điểm này là rất nhỏ, có thể các chương trình thu thập dữ liệu khác sẽ không cho kết quả tương tự.
Thông cáo của Copernicus được đưa ra sau khi thế giới vừa trải qua đợt nắng nóng, mặc dù không kéo dài nhưng rất gay gắt. Nhiệt độ tại nhiều quốc gia thuộc khu vực Tây Âu như Đức, Bỉ, Hà Lan đã đạt tới mức kỷ lục. Trong khi đó, nhiệt độ tại các khu vực khác như Alaska, một vài khu vực tại Siberia, tại Trung Á và Nam Cực cũng cao hơn bình thường.
Theo giám đốc chương trình Copernicus, nếu con người không làm gì để chống lại biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan này sẽ chỉ là phần nổi của tảng băng trôi. Bản thân các tảng băng trôi cũng đang tan chảy rất nhanh./.