Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa kêu gọi Ấn Độ và Pakistan “kiềm chế tối đa” trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước láng giềng này tại khu vực Kashmir đang gia tăng.
Trong tuyên bố ngày 8/8, một phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc nêu rõ: “Người đứng đầu Liên hợp quốc theo sát tình hình tại Jammu và Kashmir với một sự quan ngại sâu sắc, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa…Lập trường của Liên hợp quốc là vấn đề này cần được giải quyết theo tinh thần Hiến chương Liên hợp quốc và các bản nghị quyết phù hợp của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.
Tổng thư ký Liên hợp hợp quốc cũng viện dẫn tới bản thỏa thuận về các mối quan hệ song phương được Ấn Độ và Pakistan ký kết năm 1972 – còn được biết đến với tên gọi Thỏa thuận Simla, khẳng định rằng quy chế cuối cùng của khu vực Jammu và Kashmir sẽ được ấn định thông qua cách thức hòa bình, dựa trên tinh thần của Hiến chương Liên hợp quốc.
Bên cạnh đó, ông Guterres cũng tỏ rõ sự quan ngại trước những thông tin về các lệnh giới hạn được áp đặt tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, cho rằng điều này có nguy cơ gây tổn hại đến tình hình nhân quyền tại khu vực. Qua đó, người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi tất cả các bên kiềm chế trước các hành động có thể ảnh hưởng tới quy chế của khu vực Jammu và Kashmir.
Pakistan phản ứng liên tiếp, Ấn Độ bảo vệ hành động tại khu vực tranh chấp
Ngày 5/8, chính phủ Ấn Độ tuyên bố bãi bỏ Điều 370 trong Hiến pháp về việc trao quyền tự trị đặc biệt cho Kashmir. Trước khi thực hiện công việc này, chính quyền New Delhi đã triển khai bổ sung hàng nghìn binh sỹ tới khu vực tranh chấp, áp đặt lệnh giới nghiêm, cắt mạng lưới liên lạc viễn thông và internet, đồng thời bắt giữ một số nhà lãnh đạo chính trị. Thậm chí cách đây ít lâu, chính phủ Ấn Độ đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Mỹ D.Trump nhằm đóng vai trò trung gian giải quyết tranh chấp ở Kashmir.
Những động thái trên của Ấn Độ, ngay lập tức đã vấp phải những phản ứng mạnh mẽ từ Pakistan và làm dấy lên mối lo ngại về nguy cơ gia tăng căng thẳng tại khu vực tranh chấp Kashmir – vốn từ lâu đã trở thành “điểm nóng” trong quan hệ hai nước.
Trong cuộc họp báo tại thủ đô Islamabad, ngày 8/8, Ngoại trưởng Pakistan Shah Mehmood Qureshi tuyên bố nước này không tìm kiếm giải pháp quân sự để giải quyết tranh chấp ở Kashmir, song sẽ bảo lưu quyền phản ứng trước mọi hành vi gây hấn từ Ấn Độ.
Cùng ngày, Bộ trưởng Đường sắt Pakistan Sheikh Rasheed cũng tuyên bố nước này đã quyết định đóng cửa tuyến đường sắt Samjhauta Express nối liền thủ đô New Delhi của Ấn Độ với thành phố Lahore thuộc miền Đông Pakistan. Thậm chí ông Rasheed còn tỏ rõ quyết tâm thực hiện công việc này đến cùng khi nhấn mạnh rằng, chừng nào ông còn làm Bộ trưởng Đường sắt Pakistan, thì chừng đó, tuyến đường sắt Samjhauta Express không thể được vận hành.
Cố vấn của Thủ tướng Pakistan – ông Firdous Ashiq Awan cũng vừa đăng trên trang Twitter rằng, chính phủ nước này sẽ cấm chiếu các bộ phim Ấn Độ tại các rạp của Pakistan.
Trước đó, ngày 7/8, Chính phủ Pakistan đã quyết định hạ cấp quan hệ ngoại giao và đình chỉ các hoạt động giao thương với nước láng giềng.
Tuy nhiên, bất chấp những phản ứng gia tăng liên tiếp từ Pakistan, ngày 8/8 , Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có bài phát biểu trên truyền hình nhằm lý giải nguyên nhân tại sao ông lại rút quyền tự trị đặc biệt của khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát.
Theo quan điểm của nhà lãnh đạo này thì việc Ấn Độ ấn định quyền tự trị của Kashmir theo tinh thần của Hiến pháp đã cản trở việc thực thi các chính sách của chính phủ liên bang tại khu vực này. Phía Pakistan đã lợi dụng điều này để châm ngòi cho các hành vi ly khai và khủng bố, mà cho tới nay đã cướp đi sinh mạng của gần 42.000 người vô tội. Ông Modi tin tưởng rằng, việc bãi bỏ quy chế tự trị đặc biệt của Kashmir sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế và mang lại hòa bình cho khu vực.
Các nguồn tin tại Liên hợp quốc cho biết, hiện Pakistan đang yêu cầu triệu tập một phiên họp khẩn của các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhằm thảo luận về tình hình Kashmir. Tuy nhiên, yêu cầu này vẫn chưa nhận được hồi đáp tích cực./.