Với nhiều giải pháp thúc đẩy của Chính phủ và sự hưởng ứng của doanh nghiệp và người dân Trung Quốc, thời gian qua, kinh tế ban đêm đang trở thành một nguồn động lực mới, góp phần kích thích tiêu dùng, mở rộng nhu cầu trong nước ở nền kinh tế thứ hai thế giới.
Theo Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế ban đêm năm 2019 được Viện Nghiên cứu du lịch Trung Quốc công bố mới đây, quy mô thị trường “kinh tế ban đêm” ở Trung Quốc đang tiếp tục mở rộng, hình thái kinh tế dựa vào “vé vào cửa” ban ngày tiếp tục suy giảm, trong đó đáng chú ý là các hoạt động ẩm thực về đêm đóng vai trò chủ đạo, giải trí văn hóa còn tiềm năng phát triển rất lớn.
Theo thống kê năm 2018, số lượng hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật kết hợp du lịch về đêm ở Trung Quốc lên tới 80.000 lượt, đem lại thu nhập 6,7 tỷ nhân dân tệ (khoảng 957 triệu USD), số lượng khán giả, du khách đạt hơn 40 triệu lượt người, tăng trưởng hơn 20%.
Thanh niên trở thành “đội quân chủ lực” trong tiêu dùng ban đêm, số lượng người tiêu dùng “8X”, “9X” lần lượt chiếm tới 40% và 19,8% trong cơ cấu du khách ban đêm. Có tới 60% các hoạt động tiêu dùng ở Trung Quốc xảy ra vào ban đêm, do vậy, kinh tế ban đêm được xác định là yêu cầu nội tại để mở rộng tiêu dùng, thúc đẩy kinh tế phát triển chất lượng cao.
Hiện nay, các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu, Thiên Tân, Trùng Khánh đều đã ban hành các chính sách đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm, nhất là việc bảo đảm an ninh, giao thông, hạ tầng thoát hiểm, dịch vụ công cộng... Nhiều thành phố đã kéo dài thời gian mở cửa của các điểm du lịch nổi tiếng, tăng thêm các tuyến tàu điện và giao thông công cộng về đêm, giảm giá điện phục vụ chiếu sáng ban đêm…, nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí trải nghiệm ban đêm.
Theo nhiều chuyên gia, thời gian tới, để tiếp tục phát triển kinh tế ban đêm, Trung Quốc cần khuyến khích nhiều chủ thể thị trường tham gia, làm phong phú thêm các sản phẩm giải trí và du lịch về đêm, nhất là việc tăng thêm nhiều trải nghiệm mới mẻ thông qua kết hợp các yếu tố về công nghệ, văn hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng, nhất là thanh thiếu niên.