Nga sẵn sàng gia hạn Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (hay còn gọi là START III) với Mỹ “ngay lập tức, càng sớm càng tốt, hay thậm chí là trước thời điểm cuối năm nay” mà không đi kèm theo điều kiện tiên quyết.
Đây là tuyên bố do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra trong một cuộc họp với các quan chức quốc phòng tại Moscow, ngày 5/12. Ông Putin khẳng định đây là một tuyên bố chính thức và hy vọng sẽ không còn một sự suy diễn sai lệnh nào về lập trường của Nga.
Theo ông Putin thì trong bối cảnh START mới sắp hết hiệu lực, Nga cũng đã nêu các đề xuất gia hạn bản Hiệp ước này để Mỹ cân nhắc. Tuy nhiên, cho tới nay, Nga vẫn chưa nhận được bất kỳ lời hồi đáp nào từ phía các đối tác.
Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Riabkov cũng khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì START III khi xem đây là “công cụ song phương cuối cùng” trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí phòng thủ chiến lược giữa Nga và Mỹ.
Trong khi đó, tờ Russia Today cũng đăng bài viết nêu rõ quan điểm rằng, Nga không quan tâm tới việc khởi xướng một cuộc chạy đua vũ trang, hay triển khai các tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại các vùng lãnh thổ của Nga vốn chưa từng có sự hiện diện của các thiết bị này.
Liên quan tới vấn đề này, Tổng thống Putin nhắc lại rằng, Nga đã thông báo về một sự đình chỉ đơn phương đối với việc triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung, đồng thời mời một số nước ở châu Âu và Mỹ cùng tham gia vào cơ chế này. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga cho biết, cho tới nay, mới chỉ có Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra lời hồi đáp trước đề xuất trên, trong khi các bên còn lại vẫn “biệt vô âm tín”. “Điều này đã buộc chúng tôi phải áp dụng các bước đi để chống lại các mối đe dọa” – ông Putin nói.
Tháng trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố nước này đang khởi động việc phát triển các tên lửa tầm ngắn và tầm trung như là một bước đi phản ứng trước các hành động của Mỹ. “Mỹ đã bắt tay chế tạo các tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên mặt đất, chính vì thế, chúng tôi sẽ phản ứng phù hợp theo như lời khuyến cáo của Tổng thống Putin" - ông Sergei Lavrov nói.
Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Nga cho biết, để bảo toàn cơ hội và tìm kiếm các cơ chế có thể đoán định trong lĩnh vực tên lửa, Nga đã quyết định không triển khai các hệ thống tên lửa tầm ngắn và tầm trung trên mặt đất tại bất kỳ khu vực nào, chừng nào tại đây không hiện diện các tên lửa thuộc chủng loại này do Mỹ sản xuất.
Hiệp ước START mới được ký kết giữa Nga và Mỹ năm 2010, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/2/2011. START mới quy định, 7 năm sau khi hiệp ước có hiệu lực, mỗi bên tham gia không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược, không quá 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược đã được triển khai, cũng không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM và các thiết bị máy bay ném bom chiến lược. START mới cũng quy định các bên có nghĩa vụ trao đổi thông tin về số lượng đầu đạn và các thiết bị vận chuyển đầu đạn theo định kỳ 2 năm/lần.
START mới sẽ có duy trì hiệu lực trong 10 năm, tới ngày 5/2/2021, trừ khi được thay thế bằng một thỏa thuận khác. Nếu được hai bên nhất trí, START mới có thể được gia hạn trong một khoảng thời gian không quá 5 năm - tới năm 2026.
Cho đến nay, Nga đã hoàn tất mọi thủ tục cần thiết bằng văn bản để khởi động đối thoại với Mỹ về việc gia hạn hiệp ước này, song vấn chưa nhận được câu trả lời. Nga nhiều lần cảnh báo Mỹ rằng việc từ chối gia hạn START mới sẽ gây thêm nhiều hiểm họa và bất ổn cho an ninh thế giới./.