Ngày 2/1, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua một dự luật do chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đệ trình nhằm bật đèn xanh cho kế hoạch điều quân tới Libya nhằm hỗ trợ chính phủ lâm thời ở Tripoli được Liên hợp quốc công nhận.
Trong phiên họp khẩn cấp được triệu tập ngày 2/1, với tỷ lệ 325 phiếu ủng hộ và 184 phiếu chống, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự luật cho phép triển khai binh sỹ tới Libya với hiệu lực trong vòng 1 năm, trong trường hợp các diễn biến tại Libya đe dọa tới lợi ích của Thổ Nhĩ Kỳ, gồm cả doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ và các tàu thuyền của Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trên vùng biển Địa Trung Hải.
Dự luật khẳng định việc điều quân tới Libya nhằm mục tiêu ngăn chặn mối đe dọa từ việc di cư hàng loạt bất hợp pháp, cũng như việc hình thành một môi trường thuận lợi cho các tổ chức khủng bố và các nhóm vũ trang. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thẩm quyền quyết định về quy mô, thời gian và phạm vi của việc triển khai quân.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá bản dự luật trên là một “bước đi quan trọng” nhằm bảo vệ các lợi ích của nước này trong khu vực. Tuy nhiên, động thái này của Ankara đã vấp phải những phản ứng trái chiều trong nội bộ và đã làm dấy lên một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.
Trong khi đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền, đảng đồng minh Phong trào Dân tộc (MHP) và đảng Hạnh phúc (Felicity Party) tỏ rõ quan điểm ủng hộ dự luật thì đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), đảng Tốt đẹp (Good Party) và đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) lại phản đối kế hoạch điều quân tới Libya khi cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ nên tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho tình hình tại Libya, thay vì can dự vào cuộc xung đột này.
Hiện một số nước trong khu vực như Ai Cập, Hy Lạp và Síp, cũng như chính quyền phía Đông Libya trung thành với lực lượng của Tướng Khalifa Haftar đã tỏ rõ quan điểm phản đối việc cơ quan lập pháp Thổ Nhĩ Kỳ bật đèn xanh cho kế hoạch điều quân tới Libya. Bộ Ngoại giao Ai Cập đã ra tuyên bố bày tỏ quan ngại rằng, kế hoạch triển khai lực lượng quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tác động tiêu cực đến tình hình ổn định của khu vực. Trong khi đó, giới phân tích cũng bắt đầu nhận định về khả năng Ai Cập sẽ can thiệp quân sự vào Libya nếu như kế hoạch triển khai lực lượng của Thổ Nhĩ Kỳ được thực hiện.
Kể từ sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ vào năm 2011, Libya đã gặp rất nhiều trở ngại trong việc thực hiện tiến trình chuyển giao dân chủ trong bối cảnh an ninh bất ổn. Từ năm 2014, đất nước Libya đã bị xé làm đôi dưới sự kiểm soát của hai chính phủ đối lập là Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được quốc tế công nhận ở Tripoli và chính quyền ở miền Đông do tướng Khalifa Haftar đứng đầu Quân đội Quốc gia Libya (LNA) ủng hộ. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar đang hậu thuẫn cho GNA, trong khi lực lượng của ông Haftar nhận được sự ủng hộ của Nga, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE), Ả rập Xê út Ai cập và Pháp./.