Ngày 2/3, tại trụ sở Ủy ban châu Âu (EC) ở Brussels (Bỉ), các nhà đàm phán của Anh và Liên minh châu Âu (EU) sẽ khởi động đàm phán về các mối quan hệ trong thời kỳ hậu Brexit.
Vòng đàm phán này sẽ bao quát một nội dung rộng lớn, từ lĩnh vực thương mại hàng hóa, hợp tác an ninh nội bộ, tự do đi lại cho tới hoạt động đánh bắt cá …
Theo lịch trình đã đề ra, trong ngày 2/3, Trưởng đoàn đàm phán của chính phủ Anh về Brexit – ông David Frost và đối tác EU Michel Barnier sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu đôi bên thảo luận về một số “điều khoản hậu cần” trong đàm phán. Sự kiện này sẽ được tiếp nối bởi một phiên họp toàn thể, với sự tham gia của đông đảo các đại diện từ Anh và EU nhằm đề ra những “mục tiêu tham vọng” cho các vòng đàm phán diễn ra trong tuần này. Trong hai ngày (3-4/3), sẽ có khoảng 10 nhóm làm việc khác nhau của đôi bên tiến hành các cuộc gặp song song. Tiến trình đàm phán sẽ kết thúc vào ngày 5/3 bằng một phiên họp toàn thể cuối cùng, nhằm đánh giá về những tiến triển đã đạt được cùng những vấn đề còn tồn tại giữa đôi bên.
Trong quá trình xây dựng các vòng đàm phán ngày càng thách thức với EU trong thời kỳ hậu Brexit, Anh đã tỏ rõ lập trường của nước này thông qua việc nhấn mạnh đến sự độc lập chính trị và cũng không quên cảnh báo thêm rằng, London sẵn sàng từ bỏ tiến trình đàm phán vào đầu tháng 6/2020 nếu không đạt được tiến triển như mong muốn.
Cách đây ít lâu, Thủ tướng Boris Johnson cũng tuyên bố ông sẽ sử dụng quyền kiểm soát Quốc hội để bác bỏ bất kỳ sự gia hạn nào đối với giai đoạn chuyển tiếp trong tiến trình ra khỏi EU (được gọi là Brexit) đến sau ngày 31/12/2020. Động thái được đánh giá là mạnh mẽ nhất của nhà lãnh đạo phe Bảo thủ từ sau khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử vào tháng 12 năm ngoái lại khiến cho lịch trình giải quyết những hồ sơ gây tranh cãi vẫn còn rất ngổn ngang giữa Anh và EU càng trở nên gấp rút.
Trong khi đó, các quan chức EU cũng tỏ ra cứng rắn khi nhấn mạnh rằng, việc tiếp cận thị trường của khối sẽ chỉ được thực hiện nếu đi kèm theo sự liên kết chính sách và những quy định của Anh.
Vào thời điểm Anh chính thức rời EU, ngày 31/1/2020, hai bên đã nhất trí sẽ duy trì quãng thời gian chuyển tiếp tới tháng 12/2020 nhằm tìm kiếm một mối quan hệ đối tác mới về an ninh, kinh tế, thay thế cho mối quan hệ hội nhập đã tồn tại trong suốt 47 năm qua.
Dù vẫn còn nhiều bất đồng chưa được giải tỏa, song khả năng Anh và EU đạt được một thỏa thuận về mối quan hệ trong tương lai vẫn là khả năng đang được nhiều người trông đợi. Tuy nhiên, lập trường cứng rắn của đôi bên cũng cho thấy, kịch bản không thỏa thuận vẫn còn hiện hữu, đi kèm theo đó là nguy cơ các khoản thuế hải quan và các biện pháp kiểm soát hàng hóa tại biên giới sẽ được tái áp đặt trở lại. Ngoài ra, sự cạnh tranh về các cách thức mới giúp duy trì việc thực thi pháp luật và hợp tác an ninh giữa EU và một nước đã từng là thành viên trong khối cũng được dự báo là sẽ khiến cho mối quan hệ giữa đôi bên càng trở nên phức tạp hơn./.