Ngành công nghiệp hàng không thế giới tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng khi một loạt hãng hàng không lớn phải cắt giảm các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới thực hiện quy định cấm nhập cảnh với người nước ngoài hoặc tăng cường cách ly khi nhập cảnh trước sự bùng phát của COVID-19.
Hiệu ứng Domino
Tại châu Âu, Tập đoàn hàng không Lufthansa của Đức đã thực hiện cắt giảm sâu khả năng hoạt động của hãng, rút ngắn thời gian làm việc và ngừng việc chia cổ tức. Tập đoàn cho biết hiện không thể dự báo được tác động do COVID-19 gây ra với lợi nhuận của hãng. Trong khi đó, các công ty con của Lufthansa như Austrian, Swiss, Eurowings và Brussels Airlines cũng có nhiều chuyến bay bị hủy bỏ.
Trong khi đó, hãng hàng không quốc gia Hà Lan KLM dự định cắt giảm 2.000 việc làm. Bristish Airways cũng cắt giảm 75% tần suất bay. Trong một động thái mới đây, công ty điều hành hàng không giá rẻ Easyjet PLC (EZJ.L) có trụ sở tại Anh và nghiệp đoàn phi công ở Anh đã ký thỏa thuận giảm thiểu rủi ro sa thải phi công ở Anh trong 18 tháng tới, bao gồm ngừng trả lương và yêu cầu tất cả phi hành đoàn nghỉ phép từ 23-3 đến 22-6.
Tại Mỹ, sau khi chính phủ Mỹ ban hành lệnh đóng cửa với châu Âu do lo ngại dịch COVID-19 lây lan, các hoạt động chở khách đã suy giảm ở mức chưa từng thấy. Hãng hàng không Delta Air Lines của Mỹ đã cho hơn 600 tàu bay ngừng hoạt động, cắt giảm hơn 50% lương nhân công và giảm tần suất bay tới hơn 70% cho đến khi nhu cầu bắt đầu hồi phục.
Ngày 14-3, hãng hàng không American Airlines lớn nhất ở Mỹ thông báo kế hoạch cắt giảm 75% số chuyến bay quốc tế đến ngày 6-5 tới và đình chỉ gần như toàn bộ hoạt động của các máy bay thân rộng. American Airlines dự báo công suất nội địa của hãng sẽ giảm 20% trong tháng 4 và 30% trong tháng 5, so với cùng kỳ năm 2019 trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19. Hãng hàng không United Airlines cho biết kể từ ngày 16-3 sẽ tạm đình chỉ các chuyến bay tới London khởi hành từ thành phố Houston và Denver.
Không nằm ngoài xu hướng cắt giảm, hàng không khu vực Mỹ Latinh đã cắt giảm mạnh các chuyến bay từ ngày 19-3 trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đóng cửa biên giới vì COVID-19. Tập đoàn LATAM Airlines có trụ sở tại Chile, lớn nhất khu vực, cho biết họ sẽ giảm một nửa lương của 43.000 nhân viên và CEO mới sẽ không nhận lương trong ba tháng. Hãng hàng không số 2 khu vực, Avianca Holdings AVT_p.CN có trụ sở tại Colombia, cho biết họ đã hủy tất cả các chuyến bay quốc tế và bốn trong số năm chuyến bay nội địa ở Colombia. Avianca sẽ chỉ duy trì hoạt động của 10 tàu bay, một nửa trong số đó là các tàu bay tuabin nhỏ, từ 142 tàu bay hoạt động trước đó.
Máy bay của hãng KoreanAir xếp hàng dài ở sân bay Incheon, Soeul ngày 17-3.
Khu vực châu Á, tại Trung Quốc, tâm điểm bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên trên thế giới, tính toán của Reuters dựa trên dữ liệu từ nhà cung cấp dữ liệu hàng không Variflight cho thấy, việc hủy tất cả các chuyến bay quốc tế đang gia tăng trong tháng, đạt mốc 2.938 chuyến bay trung bình mỗi ngày. Trong khi đó, số chuyến bay hủy trong tháng 2 là 2.460 chuyến và 387 chuyến trong tháng 1.
Cũng theo Variflight, khả năng bay nội địa tại Trung Quốc đang trên đà hồi phục kể từ nửa cuối tháng 2 khi người dân trở lại làm việc, nhưng vẫn thấp hơn khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hãng hàng không Cathay Pacific có trụ sở tại Hồng Kông, Trung Quốc đã phải tạm thời cắt giảm 40% các chuyến bay và yêu cầu tất cả 33.000 nhân viên của mình tự nguyện luân phiên đăng ký nghỉ phép ba tuần không được trả lương từ đầu tháng 2 cho đến cuối tháng 6 tới.
Trong khi đó, Hàn Quốc, ngành hàng không trong tháng này cũng phải ngừng hầu hết các chặng bay quốc tế khi người dân dừng tất cả hoạt động du lịch, hơn 150 quốc gia và vùng lãnh thổ áp đặt các lệnh cấm nhập cảnh và tăng cường cách ly với những người đến từ Hàn Quốc do lo ngại lây lan COVID-19. Hãng hàng không lớn nhất xứ “Kim Chi” Korean Air hồi đầu tháng cho biết sẽ gia hạn việc đình chỉ các chuyến bay đến Trung Quốc thêm một tháng, đến ngày 25-4. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, Korean Air phục vụ 204 chuyến bay/tuần trên 30 tuyến bay đến Trung Quốc.
Hãng hàng không lớn thứ hai Hàn Quốc, Asiana cho biết sẽ đình chỉ nhiều chuyến bay trong khu vực châu Á đến giữa tháng 4-2020. Trong số các biện pháp tự cứu mình, Asiana yêu cầu tất cả 10.500 nhân viên thay phiên nhau nghỉ không lương trong 10 ngày bắt đầu từ ngày 19-2 để cắt giảm chi phí và tránh thua lỗ lớn. Hãng hàng không này cũng có kế hoạch cắt giảm tiền lương của các giám đốc điều hành và quản lý tới 50% mỗi tháng cho đến khi diễn biến của dịch COVID-19 có dấu hiệu cải thiện.
Tại Trung Đông, Emirates, hãng hàng không có trụ sở tại Dubai, vốn hoàn toàn phụ thuộc vào nhu cầu du lịch quốc tế, cũng đã kêu gọi các nhân viên thay nhau nghỉ việc không lương.
Ở Đông-Nam Á, vừa mới vượt qua giai đoạn khủng hoảng sau vụ mất tích bí ẩn của MH370 và vụ tai nạn thảm khốc MH17 cách đây chưa lâu, hãng hàng không Malaysia Airlines lại tiếp tục hứng chịu cơn khủng hoảng mới mang tên COVID-19. Việc chính phủ Malaysia quyết định phong tỏa đất nước trong nỗ lực ngăn chặn COVID-19 đã khiến hãng này lún sâu vào điêu đứng. Trong một thông báo nội bộ, Malaysia Airlines thừa nhận công ty đang trong giai đoạn "cực kỳ khó khăn" và cũng giống như nhiều hãng hàng không khác, hãng đang đứng trước nguy cơ phá sản đồng thời kêu gọi nhân viên tự nguyện nghỉ không lương.
Trước “đòn giáng” mạnh của COVID-19, Hãng hàng không lớn nhất Australia Qantas ngày 19-3 thông báo sẽ ngừng tất cả các chuyến bay quốc tế trong tháng này, sau khi hãng hàng không lớn khác của nước này là Virgin đã ngừng khai thác toàn bộ đường bay nước ngoài.
Qantas cho biết, 2/3 lao động của hãng phải nghỉ việc và Qantas sẽ trì hoãn việc thanh toán cổ tức trị giá 201 triệu đô Australia (116,24 triệu USD) từ ngày 9-4 đến ngày 1-9. Hãng cho biết, Giám đốc điều hành cấp cao và hội đồng quản trị sẽ cắt giảm 100% lương cho đến khi ít nhất là kết thúc năm tài chính.
Trong khi đó, Air New Zealand Ltd (AIR.NZ), mặc dù hôm thứ Hai tuần này đã công bố kế hoạch duy trì lịch bay quốc tế với hy vọng sẽ có những thay đổi hơn nữa nhưng cũng đã phải đóng cửa trụ sở phi hành đoàn của hãng ở London sớm hơn dự kiến ban đầu, khiến 130 nhân viên mất việc làm.
Giám đốc điều hành công ty lữ hành Flight Centre (Australia), Graham Turner cho hay: "Trong môi trường bất ổn hiện nay, các ưu tiên của chúng tôi là giảm chi phí". Theo ông Turner, rút kinh nghiệm từ dịch viêm đường hô hấp cấp SARS năm 2002-2003 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, công ty sẽ kích cầu trong khi thực hiện cắt giảm chi phí. Ông cũng dự báo rằng theo kinh nghiệm, sự bùng nổ trở lại của các hoạt động lữ hành quốc tế sau dịch sẽ diễn ra tương đối nhanh và mạnh.
Hậu quả chưa có tiền lệ
Đại dịch COVID-19 hiện đang tạo ra các nguy cơ đan xen đối với ngành hàng không toàn thế giới. Các lệnh hạn chế đi lại, phong tỏa đất nước, tâm lý lo ngại bao trùm các nhà đầu tư, dẫn tới nhu cầu đi lại giảm và buộc các hãng không còn sự lựa chọn nào ngoài phải cắt giảm phần lớn tần suất các chuyến bay. Kéo theo hệ lụy hàng trăm nghìn nhân viên hàng không không được trả lương hoặc mất việc làm.
Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), hiện có 2,95 triệu nhân viên hàng không trên toàn thế giới. Khi đà lây lan nhanh chóng của đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu chậm lại trên toàn thế giới, các chuyên gia, tổ chức trong lĩnh vực hàng không thế giới cảnh báo rằng, hơn 10.000 nhân viên hàng không trên toàn thế giới có thể mất việc.
Trong báo cáo ngày 5-3 vừa qua IATA đã đưa ra ước tính doanh thu của ngành hàng không có thể thiệt hại tới 113 tỷ USD dựa trên kịch bản tồi tệ nhất. Nhưng kịch bản này chưa tính đến các hạn chế đi lại mà chính phủ nhiều nước đã áp đặt trong vài ngày qua.
Ngay trong ngày 19-3, Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac cảnh báo: “Ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 là ưu tiên hàng đầu của các chính phủ. Nhưng họ phải nhận thức được rằng tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng giờ đã trở thành thảm họa đối với các nền kinh tế và ngành hàng không. Quy mô của cuộc khủng hoảng công nghiệp hiện nay tồi tệ hơn nhiều và lan rộng hơn nhiều so với cuộc khủng hoảng sau vụ khủng bố 9-11, dịch SARS hay cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Các hãng hàng không đang chiến đấu để sinh tồn”.
Còn Giám đốc điều hành Carsten Spohr của Lufthansa nói trong thông cáo ngày 19-3, “sự lây lan của COVID-19 đang đặt toàn bộ nền kinh tế toàn cầu và công ty của chúng ta vào tình trạng khẩn cấp chưa từng có tiền lệ. Vào thời điểm này, không ai có thể thấy trước được hậu quả”.
Lufthansa đã phải cắt giảm sâu hoạt động bay do đại dịch COVID-19.
Hỗ trợ khẩn cấp
Lufthansa ngày 19-3 nói rằng, ngành công nghiệp hàng không thế giới sẽ không thế sống sót nếu không có sự hỗ trợ từ chính phủ nếu đại dịch COVID-19 tiếp tục kéo dài.
Các hãng hàng không Anh được cho là đã đề nghị gói cứu trợ chính phủ hơn 9 tỷ USD. Hiệp hội thương mại hàng không Mỹ cũng kêu gọi gói cứu trợ chính phủ trị giá 50 tỷ USD.
IATA trong những ngày qua không ngừng kêu gọi chính phủ các nước triển khai các biện pháp đặc biệt để cứu ngành hàng không đang chịu tác động nghiêm trọng của đại dịch COVID-19.
Giám đốc IATA Alexandre de Juniac nhấn mạnh, “Chính phủ các nước không thể áp dụng lối tiếp cận 'chờ xem sao'. Chúng ta đã chứng kiến tình hình diễn biến xấu đi đáng kể như thế nào trên toàn cầu chỉ trong một thời gian ngắn. Chính phủ các nước phải hành động ngay bay giờ và hành động một cách quyết liệt”.
Người đứng đầu IATA De Juniac đề xuất ba giải pháp tài chính đối với chính phủ các nước, gồm hỗ trợ tài chính trực tiếp, cho vay hay bảo đảm các khoản vay, và giảm thuế để giúp các hãng hàng không vượt qua cuộc khủng hoảng này. Nhấn mạnh ưu tiên vận tải hàng không, IATA nhận định việc hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không để vượt qua thời kỳ “đen tối” này, sẽ giúp thế giới phục hồi.
Trong những ngày qua, nhiều quốc gia trên thế giới đã thông qua các gói kích thích nền kinh tế ứng phó với khủng hoảng kinh tế do COVID-19 tạo ra. Hầu hết, các chính phủ đều khẳng định hàng không là ngành đứng đầu trong danh sách ưu tiên giải cứu.
Trong nỗ lực giải cứu ngành hàng không, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) ngày 11-3 đã công bố 16 biện pháp từ hỗ trợ tài chính đến đầu tư cơ sở hạ tầng. Trước đó, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc thông báo sẽ giảm thuế và phí cho các hãng hàng không, hỗ trợ doanh nghiệp giữ chân người lao động...
Ngày 18-3, chính phủ Mỹ cam kết một gói cứu trợ 50 tỷ USD cho các khoản vay nhưng không có các khoản trợ cấp nào như yêu cầu của ngành công nghiệp hàng không để giải quyết tác động tài chính từ cuộc khủng hoảng COVID-19 sâu rộng hiện nay. Chính phủ Australia cùng ngày đã công bố gói hỗ trợ hàng không trị giá 715 triệu đô Australia (430 triệu USD), bao gồm phí hoàn vé và phí kiểm soát giao thông hàng không.
Đến ngày 19-3, chính phủ Ấn Độ cũng được cho là đã chuẩn bị gói giải cứu lên tới 1,6 tỷ USD để hỗ trợ các hãng hàng không trong nước trong cơn chao đảo vì COVID-19. Chính phủ New Zealand ngay trong ngày cũng đã phác thảo đợt đầu tiên của gói cứu trợ hàng không trị giá 600 triệu đô New Zealand (tương đương 344 triệu USD), bao gồm hỗ trợ tài chính cho các hãng hàng không để trả chi phí của hành khách thuộc cơ quan chính phủ và chi trả phí kiểm soát không lưu.
Mặc dù vậy, những con số và biện pháp nói trên vẫn chưa đủ để hàng không thế giới phục hồi hoàn toàn khi đại dịch COVID-19 đi qua. IATA ước tính, ngành hàng không toàn cầu cần khoản viện trợ khẩn cấp lên tới 200 tỷ USD để vượt qua “siêu bão” COVID-19.
Nếu sau hàng loạt vụ tai nạn hàng không thảm khốc có liên quan đến dòng máy bay Boeing 737 MAX hồi cuối năm 2018- đầu 2019, hay chuỗi tai nạn của hãng hàng không Malaysia Airlines cách đây sáu năm, thị trường hàng không thế giới dù chịu những biến động nhẹ nhưng đều có thể khôi phục nhanh chóng bằng cách tự khắc phục, xây dựng lại niềm tin của người tiêu dùng. Còn hiện nay, thời điểm phục hồi và tương lai của hàng không toàn cầu vẫn là điều khó đoán khi đại dịch COVID-19 đang thực sự tạo ra “cơn địa chấn” chưa từng có tiền lệ.