Đâu là điểm mới trong chính sách đồng minh của Mỹ ở châu Á?

14:51, 03/03/2020

Chính sách đồng minh nói chung và châu Á nói riêng của Mỹ dưới thời Tổng thống D. Trump vẫn được gọi là “khác lạ” bởi sự biến thiên, không ổn định và có độ dung sai cao. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm cầm quyền, chính sách này cũng đã dần lộ diện.

 

Theo đó, sự điều chỉnh quan điểm, hành vi theo hướng mang lại nhiều lợi ích hơn cho Mỹ và những hệ lụy từ sự thay đổi chính sách này cũng được coi là không nhỏ.

Từ điều chỉnh phương thức tiếp cận đồng minh cũ...

Ngay sau khi vào Nhà Trắng và năm đầu của nhiệm kỳ Tổng thống, ông Trump đã rút khỏi các Hiệp định TPP, từ bỏ chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương của người tiền nhiệm B.Obama, thay vào đó là chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Ông Trump cũng đã từng cảnh báo Nhật Bản, Hàn Quốc… rằng, phải đóng góp nhiều hơn cho chi phí triển khai lực lượng quân đội Mỹ và các biện pháp phòng thủ khác ở những nước này, nhất là tăng đóng góp cho việc duy trì hoạt động của 45.000 quân nhân Mỹ đóng tại khu vực.

Ông Trump thậm chí khuyến khích Nhật Bản, Hàn Quốc phát triển vũ khí hạt nhân để răn đe, sẵn sàng trong trường hợp quân đội Mỹ rút khỏi những nước này.

Tuy nhiên, trong chuyến thăm Nhật Bản của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis (4/2/2017), hai bên đã nhất trí tiếp tục tăng cường mối quan hệ đồng minh song phương, cùng chia sẻ quan ngại trước vấn đề tranh chấp trên biển Hoa Đông, Biển Đông và vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Mỹ tiếp tục coi liên minh với Nhật Bản là “nền tảng của hòa bình, thịnh vượng và tự do” trong khu vực, đồng thời cam kết hợp tác chặt chẽ nhằm phát triển mối quan hệ tốt đẹp với các nước đồng minh khu vực. Điều đáng chú ý là, ông Mattis đã không hối thúc Tokyo đóng góp thêm chi phí cho quân Mỹ đồn trú tại Nhật.

Trong chuyến thăm Mỹ (9/2/2017) của Thủ tướng Nhật Bản Abe, hai bên đã đạt được những thỏa thuận rất cơ bản, trong đó có việc, Mỹ tiếp tục khẳng định quan hệ đồng minh với Tokyo; Không gian của Nhật Bản trong khu vực sẽ được nới rộng hơn và vai trò của quân đội Nhật cũng ngày càng quan trọng hơn.

Trong chuyến thăm Hàn Quốc (17/3/2017), ông Tillerson tập trung thảo luận những giải pháp về tăng cường liên minh song phương và chống lại mối đe dọa ngày càng tăng từ chương trình hạt nhân của Triều Tiên; thảo luận về vấn đề an ninh trong khu vực, toàn cầu và tìm kiếm cách tiếp cận mới đối với Bình Nhưỡng.

Đến tìm kiếm đồng minh mới...

Đối với khu vực Trung Á, hồi đầu tháng 2 Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tới thăm 5 nước (Kazakhstan, Turkmenistan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Uzbekistan) nhằm chuẩn bị cho chiến lược “Đại Trung Á” trong bối cảnh Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng tại khu vực giàu năng lượng và là “sân sau” của Nga.

Tại đây, ông Pompeo đã chủ trì cuộc gặp theo cơ chế “C5+1” với những người đồng cấp và “tái khẳng định cam kết chung của Mỹ đối với hòa bình, thịnh vượng và an ninh ở Trung Á”. Đây cũng là bước đi nhằm tìm kiếm đồng minh mới tại khu vực nhạy cảm trong quan hệ Mỹ, Nga, Trung Quốc.

Trong chuyến thăm của Tổng thống Trump đến Ấn Độ ngày 24 - 25/2, được cho là để triển khai chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, trong bối cảnh Ấn Độ đã quyết định không tham gia RCEP. Vì thế, chuyến công du Ấn Độ của ông Trump không chỉ thúc đẩy hợp tác song phương, mà còn liên quan trực tiếp đến chiến lược của cả hai nước lớn Mỹ - Ấn.

Trong phân bổ Ngân sách quốc phòng năm tài khoá 2018, Mỹ đã có chủ đích chi 2,1 tỷ USD để thực hiện các hạng mục quan trọng nhất ở khu vực châu Á, đó là việc tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ; củng cố quan hệ với các đồng minh và đối tác.

Các hạng mục được ưu tiên đó là, mua sắm vũ khí trang bị, đẩy nhanh tiến độ triển khai Hệ thống tên lửa THAAD; gia tăng các cuộc diễn tập thực binh và huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, nhất là chi cho các đồng minh Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia.

Mỹ còn thúc đẩy tăng cường cơ chế hợp tác quốc phòng 3 bên Mỹ - Nhật - Hàn thông qua mở rộng các hoạt động huấn luyện, diễn tập và chia sẻ thông tin tình báo; đối thoại với các nước ASEAN; duy trì hoạt động hàng không, hàng hải ở Biển Đông...

Theo giới quan sát, những động thái của Mỹ như: khuyến khích đồng minh tự bảo vệ; ủng hộ việc mở rộng vai trò và không gian hoạt động của lực lượng phòng vệ Nhật; chuẩn bị xây dựng và triển khai 2 đại chiến lược ở Trung Á, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và thúc đẩy Hiệp định đối tác chiến lược, toàn diện, toàn cầu Mỹ - Ấn... là phản ánh những thay đổi trong chính sách đồng minh của Mỹ dưới thời Tổng thống D.Trump.

Và những hệ lụy không mong muốn

Toàn bộ động thái mới của Mỹ trong hơn 3 năm qua cho thấy bên cạnh những lợi ích mà Washington thu được trên góc độ địa - kinh tế thì góc độ địa - chiến lược cũng không tránh khỏi những hệ lụy không mong muốn như: tính độc, lập tự chủ của các đồng minh cũng gia tăng đáng kể.

Theo đó, quan hệ Trung - Nhật - Hàn đang tiến triển theo hướng tích cực. Trong khi Trung Quốc là đối thủ mà Mỹ đang cần phải kiềm chế, thì Thủ tướng Nhật Bản Abe cho rằng, Hội nghị 3 bên ở Thành Đô (Trung Quốc) là cơ hội để tăng cường liên kết nhằm bảo đảm an ninh khu vực và củng cố trật tự kinh tế thế giới.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in còn nhấn mạnh sự cần thiết của “hợp tác hài hòa” giữa 3 nước nhằm thúc đẩy một “thế giới bền vững”. Ông Moon cho rằng 3 nước là “một cộng đồng gắn kết bằng một vận mệnh chung” và được kết nối bằng một “chuỗi giá trị”.

Tổng thống Moon Jae-in còn nêu ý tưởng về một “Cộng đồng kinh tế Đông Bắc Á” dựa trên 3 nguyên tắc cơ bản là: Tăng cường hợp tác thương mại tự do; Quan hệ đối tác trong các ngành công nghiệp 4.0; Và hợp tác vì hòa bình khu vực.

Một hệ lụy khác, được cho là nằm ngoài sự mong đợi của Washington, đó là việc Philipppines (21/2) đã thông báo cho Mỹ về việc chấm dứt Thỏa thuận thăm viếng lẫn nhau (VFA) giữa hai nước. Đây là động thái hạ cấp quan hệ liên minh quân sự Philippines – Mỹ, phản ánh chính sách đối ngoại độc lập của Manila có tác động lớn đến cân bằng địa chính trị trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Như vậy, những động thái của Mỹ đối với các nước đồng minh châu Á trong hơn 3 năm qua đã phản ánh chủ thuyết “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống D.Trump hướng tới mục tiêu nước Mỹ sẽ tiếp tục lãnh đạo thế giới bằng sức mạnh kinh tế, quân sự, khoa học-công nghệ đỉnh cao và tham vọng của ông rất có thể là “tái lập” một trật tự thế giới “đơn cực” với vai trò và sức mạnh tuyệt đối của Mỹ.

Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, nếu ông D.Trump tái đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ hai thì tham vọng chiến lược của ông cũng khó thành hiện thực, bởi những hệ lụy không mong muốn từ chính sách đối ngoại và nhất là những bất đồng khó hóa giải trong nội tình nước Mỹ./.