Ngày 12/3, Tổ chức nghiên cứu tài chính Carbon Tracker đưa ra báo cáo công bố cho rằng, các nhà đầu tư nhiệt điện than có nguy cơ lãng phí hơn 600 tỷ USD, vì việc sản xuất điện từ năng lượng tái tạo mới rẻ hơn so với từ các nhà máy điện than mới ở tất cả các thị trường lớn.
Báo cáo cũng cho thấy hơn 60% các nhà máy điện than toàn cầu đang sản xuất điện với chi phí cao hơn giá điện từ các nhà máy năng lượng tái tạo mới. Muộn nhất là đến năm 2030, việc xây dựng nhà máy năng lượng gió hoặc năng lượng mặt trời mới sẽ rẻ hơn so với việc tiếp tục vận hành nhiệt điện than ở tất cả các thị trường.
Matt Gray, đồng trưởng nhóm điện và các dịch vụ thiết yếu của Carbon Tracker, đồng tác giả của báo cáo, cho biết: Năng lượng tái tạo đang vượt qua nhiệt điện than trên khắp thế giới và các khoản đầu tư vào nhiệt điện than có nguy cơ trở thành tài sản bị mắc kẹt khiến chúng ta phải phụ thuộc vào điện than giá cao trong nhiều thập kỷ. Thị trường đang thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang năng lượng carbon thấp. Việc hủy bỏ các dự án điện than mới ngay lập tức và dần dần loại bỏ các nhà máy đang hoạt động sẽ mang lại lợi ích về mặt kinh tế cho các chính phủ.
Hạn chế sự nóng lên toàn cầu đến 1,5°C sẽ yêu cầu giảm 80% việc sử dụng than toàn cầu trong sản xuất điện từ năm 2010 đến 2030. Điều này có nghĩa là cho đến năm 2040 mỗi ngày cần đóng cửa một nhà máy điện than.
Trên toàn thế giới, 499 GW nhiệt điện than mới đã được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng với chi phí 638 tỷ bảng Anh, nhưng Carbon Tracker cảnh báo rằng Chính phủ và các nhà đầu tư có thể không bao giờ thu hồi được vốn đầu tư vì các nhà máy nhiệt điện than thường phải mất 15 đến 20 năm để hoàn vốn.
Báo cáo cho thấy rằng việc hạ thấp chi phí điện gió, điện mặt trời và đầu tư cần thiết để tuân thủ các quy định về ô nhiễm không khí và carbon hiện nay, có nghĩa là điện than không còn là dạng năng lượng rẻ nhất trong bất kỳ thị trường lớn nào.
Ý nghĩa kinh tế của giá năng lượng tái tạo giảm đối với đầu tư điện than đánh giá tính kinh tế của 95% các nhà máy điện than đang hoạt động, đang được xây dựng hoặc lên kế hoạch trên toàn thế giới: 6.696 tổ máy đang vận hành (2.045 GW) và 1.046 tổ máy đang được lên kế hoạch (499 GW).
Báo cáo cung cấp lý lẽ để ngày càng nhiều nhà đầu tư gây ép với các tổ chức tài chính và công ty nhằm sắp xếp danh mục đầu tư của họ phù hợp với thỏa thuận khí hậu Paris. Tỷ phú Sir Christopher Hohn, nhà quản lý quỹ đầu tư mạo hiểm và đồng sáng lập Quỹ đầu tư của trẻ em (CIFF) đã kêu gọi các ngân hàng trung ương và các tổ chức tài chính lớn của EU và Vương quốc Anh chấm dứt cung cấp tài chính cho lĩnh vực điện than và đe dọa kiện Barclays, HSBC và Standard Chartered nếu họ tiếp tục cung cấp tài chính cho các dự án điện than mới. “Than là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trên toàn cầu và những rủi ro của việc sử dụng than đá liên tục trong ngành điện không được các cơ quan quản lý và hệ thống tài chính giải quyết thỏa đáng”, ông nói trong một tuyên bố trên trang web của CIFF.
Than đá gần như trở nên lỗi thời ở EU nhờ giá carbon cao và nhiều năm châu Âu đã đầu tư vào năng lượng tái tạo. Tài nguyên năng lượng tái tạo tuyệt vời ở Mỹ, chi phí vốn thấp ở Trung Quốc và việc hoạch định chính sách chi phí thấp nhất ở Ấn Độ, có nghĩa là năng lượng tái tạo không bị bỏ lại quá xa ở phía sau.
Các nước Đông Nam Á đang tụt lại phía sau vì thị trường năng lượng của họ còn sơ khai khiến việc thu hút nguồn tài chính toàn cầu trở nên khó khăn trong khi các chính phủ ở Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc tiếp lại tục hỗ trợ đầu tư vào điện than.
Báo cáo cho thấy các yếu tố thị trường sẽ khiến điện than không thể tồn tại được trong các thị trường không bị kiểm soát, nơi các nhà đầu tư năng lượng tái tạo sẽ tận dụng sự chênh lệch về giá ngày càng tăng.
Tuy nhiên, báo cáo lưu ý rằng một số Chính phủ trên thế giới tiếp tục khuyến khích và bảo lãnh các dự án nhiệt điện than mới bởi vì các quy định thị trường khiến nhiệt điện than gặp bất lợi về kinh tế. Ở một số thị trường có kiểm soát và bán kiểm soát, họ cũng cho phép tính chi phí cao của than đá vào hoá đơn điện bắt người dùng phải chịu, hoặc họ sử dụng tiền của người nộp thuế để trợ cấp cho các công ty vận hành nhiệt điện than để họ có thể bán điện với giá thấp hơn chi phí sản xuất.
Sriya Sundaresan, đồng trưởng nhóm điện và các dịch vụ thiết yếu và đồng tác giả của báo cáo, cho biết: “Các nhà đầu tư nên thận trong việc dựa vào sự hỗ trợ liên tục của Chính phủ đối với điện than khi việc loại bỏ điện than sẽ tiết kiệm cho người dân của họ hàng tỷ USD và giúp cho nền kinh tế của họ trở nên cạnh tranh hơn”.
Báo cáo kêu gọi các Chính phủ: bãi bỏ quy định để năng lượng tái tạo có thể cạnh tranh với điện than trên một sân chơi bình đẳng; hủy bỏ các dự án mới và loại bỏ các nhà máy điện than đang hoạt động và đưa ra các quy định cho phép năng lượng tái tạo mang lại giá trị tối đa cho các hệ thống năng lượng của họ.
Báo cáo cảnh báo rằng: “Thất bại trong các bước đi này sẽ làm rủi ro tài sản bị mắc kẹt thêm trầm trọng hơn và có thể dẫn đến tình trạng dư thừa công suất. Điều này đến lượt nó sẽ tạo áp lực lên giá điện, tạo ra tín hiệu đầu tư tiêu cực đối với năng lượng tái tạo và cuối cùng kìm hãm quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp”.
Báo cáo cho thấy:
• Ở Trung Quốc, 158 tỷ USD có nguy cơ gặp rủi ro, với 100 GW công suất điện than đang được xây dựng và 106 GW đã được lên kế hoạch. Nước này hiện có 982GW điện than và việc vận hành 71% trong số này tốn kém hơn là xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo mới.
• Ở Ấn Độ, 80 tỷ USD có nguy cơ gặp rủi ro, với 37GW công suất điện than đang được xây dựng và 29GW đã được lên kế hoạch. Công suất điện than của nước này hiện nay là 222GW và việc vận hành một nửa - 51% - trong số này tốn kém hơn so với xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo mới.
• Ở EU, 16 tỷ USD có nguy cơ gặp rủi ro với 7.6GW công suất điện than mới, chủ yếu ở Ba Lan và Cộng hòa Séc. Tuy nhiên, EU có công suất điện than đang hoạt động là 149GW và việc vận hành 96% trong số này có chi phí cao hơn so với năng lượng tái tạo mới.
• Hoa Kỳ có công suất điện than là 254GW và việc vận hành gần một nửa trong số này - 47% - có chi phí cao hơn so với năng lượng tái tạo mới. Nước này không có kế hoạch xây dựng nhà máy điện than mới.
• Ở Đông Nam Á, 78 GW điện than được lên kế hoạch hoặc đang được xây dựng với chi phí là 124 tỷ USD, nhưng đến năm 2030, việc xây dựng các nhà máy năng lượng tái tạo mới sẽ rẻ hơn so với việc tiếp tục vận hành các nhà máy điện than hiện có.
Công suất điện than tốn nhiều chi phí vận hành hơn so với năng lượng tái tạo mới.