Mô hình toán học do các nhà nghiên cứu tại Đại học Hoàng gia ở London xây dựng cho thấy, đại dịch COVID-19 có thể khiến 20 triệu người trên toàn thế giới tử vong trong năm nay, ngay cả khi mọi người thực hiện các bước giảm tiếp xúc xã hội.
Mô hình nghiên cứu chỉ ra rằng, nếu không thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, dịch COVID-19 có thể giết chết tới 40 triệu người trên toàn cầu. Tuy nhiên, con số này có thể giảm đi một nửa nếu mọi người cắt giảm 40% các cuộc gặp gỡ xã hội và người cao tuổi giảm 60% sự tương tác với người khác.
Các chuyên gia cho biết, các biện pháp kiểm dịch chặt chẽ hơn có thể làm giảm số ca tử vong và cảnh báo rằng tất cả các quốc gia sẽ phải đối mặt với những quyết định đầy thách thức trong những tuần và tháng tới về việc giãn cách xã hội như thế nào và trong bao lâu để ngăn dịch COVID-19 lây lan.
Các nhà nghiên cứu đã tính toán rằng, nếu thực hiện chặt chẽ hơn biện pháp giãn cách xã hội trên diện rộng bằng cách cắt giảm 75% tỷ lệ tiếp xúc giữa các cá nhân, điều này có thể cứu sống 38,7 triệu người trên toàn thế giới.
Một nghiên cứu được công bố ngày 27/3 đã đặt ra một số tình huống, chẳng hạn như điều gì sẽ xảy ra nếu thế giới không hành động kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19, hiện đã lây nhiễm cho hơn 780.000 người và khiến hơn 37.000 người tử vong trên toàn cầu.
Ngày 29/3, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tới thăm một nhà máy ở phía đông tỉnh Chiết Giang và động viên công nhân tiếp tục sản xuất đồng thời nhắc nhở họ giữ gìn sức khỏe.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút lại dự định mở cửa lại các hoạt động xã hội bình thường trước lễ Phục sinh và duy trì những chỉ dẫn giãn cách xã hội cho đến cuối tháng 4. “Không có gì tồi tệ hơn việc tuyên bố chiến thắng trước khi chiến thắng thực sự”, ông Trump nói.
Khi dịch COVID-19 đã lây lan ra 202 quốc gia và vùng lãnh thổ, các nhà nghiên cứu của nhóm phản ứng với COVID-19 tại Đại học Hoàng gia đã tổng hợp dữ liệu về các kiểu tiếp xúc đặc trưng theo độ tuổi và mức độ nghiêm trọng của COVID-19.
“Phương pháp duy nhất để có thể ngăn chặn tình trạng quá tải của hệ thống y tế trong những tháng tới là thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội ở những quốc gia đang bị dịch COVID-19 tấn công mạnh”, nhóm nghiên cứu cho biết.
“Những biện pháp này có thể sẽ cần được duy trì ở một mức độ nào đó song song với việc theo dõi tiếp xúc và cách ly nhanh chóng các trường hợp nhiễm virus”.
Dự báo của Đại học Hoàng gia cho thấy, các quốc gia có thu nhập cao hơn có thể giảm tỷ lệ tử vong và gánh nặng cho hệ thống y tế nếu họ áp dụng nghiêm ngặt biện pháp giãn cách xã hội. Các nhà nghiên cứu cho rằng tỷ lệ dân số già cao và nguồn lực chăm sóc y tế tốt hơn ở các quốc gia giàu có đã tạo ra sự khác biệt về tác động của dịch COVID-19.
Nghiên cứu cũng cho biết, biện pháp giãn cách xã hội sẽ tạo ra tác động lớn nhất trong việc chống dịch COVID-19 khi được thực hiện sớm.
Biện pháp này cần được duy trì ở một mức độ nhất định cho đến khi có vaccine ngừa SARS-CoV-2 hoặc một phương pháp điều trị hiệu quả.
“Các phân tích của chúng tôi nhấn mạnh các quyết định đầy thách thức mà tất cả các nước phải đối mặt trong thời gian tới và cho thấy những hành động nhanh chóng và quyết đoán có thể cứu sống hàng triệu người”, nhóm nghiên cứu nói.
Một nghiên cứu của các nhà kinh tế đến từ Đại học Pennsylvania, Đại học ShanghaiTech và Đại học Trung văn Hong Kong ước tính rằng, sẽ có thêm 65% ca mắc Covid-19 tại 347 thành phố của Trung Quốc nếu Vũ Hán không áp đặt lệnh phong tỏa.
Các nhà nghiên cứu của Trường y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ London dự báo rằng, các biện pháp giãn cách xã hội tại Vũ Hán sẽ mang lại hiệu quả cao nhất nếu thành phố lùi việc quay trở lại làm việc bình thường đến đầu tháng 4.
Nhóm chuyên gia cho biết trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa Lancet rằng, những thay đổi về kiểu tiếp xúc có khả năng trì hoãn đáng kể thời điểm đỉnh dịch và giảm số ca mắc bệnh.
Giới chức Trung Quốc tuyên bố Vũ Hán lên kế hoạch dỡ bỏ các biện pháp phong tỏa vào ngày 8/4./.