Toàn bộ đất nước Italy hiện đang bị đặt dưới lệnh phong toả, Thủ tướng Giuseppe Conte thông báo trong một cuộc họp báo hôm 9/3.
Ông Conte cho biết, biện pháp này được áp dụng nhằm mục đích bảo vệ người dân, đặc biệt là các cá nhân có rủi ro cao về sức khoẻ. Theo lệnh hạn chế di chuyển này, tất cả người dân Italy sẽ cần phải chứng minh nhu cầu làm việc thiết yếu, tình trạng sức khoẻ hay một số lý do giới hạn khác để có thể đi ra ngoài khu vực sinh sống.
Trước đó, toàn bộ miền Bắc Italy đã bị phong toả, với lệnh phong toả bao phủ quy mô khoảng 16 triệu người. Lệnh phong toả toàn bộ đất nước được đưa ra khi Italy ghi nhận thêm hàng nghìn ca nhiễm mới trong ngày 9/3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 9.172 với 463 người tử vong, chỉ đứng sau Trung Quốc. Nước này cũng đã thông báo sẽ hoãn toàn bộ các hoạt động thể thao “ở mọi cấp bậc” cho đến ngày 3/4.
"Tôi sẽ ký một sắc lệnh, với nội dung được tóm gọn như sau: Tôi ở nhà", Thủ tướng Giuseppe Conte nhấn mạnh trong bài phát biểu trên truyền hình toàn quốc. "Toàn bộ Italy sẽ trở thành khu vực được bảo vệ".
Italy chưa từng rơi vào tình trạng kiểm soát gắt gao như vậy kể từ Thế chiến II. Các trạm kiểm tra của cảnh sát được đặt ở nhà ga, sân bay, trạm thu phí và mọi cửa ngõ các thành phố.
"Tương lai của chúng ta, tương lai của Italy, đang nằm trong bàn tay chính chúng ta. Ngày hôm nay, những bàn tay này cần phải có trách nhiệm hơn bao giờ hết", Thủ tướng Italy nhấn mạnh.
Chính phủ nước này đã kêu gọi những bác sĩ về hưu trở lại làm việc với hy vọng kịp thời tăng viện cho đội ngũ nhân viên y tế quốc gia chỉ có khoảng 20.000 người.
Tổng giám đốc WHO cho rằng Italy đã chấp nhận thiệt thòi khi quyết liệt ban lệnh phong tỏa để ngăn COVID-19 lây lan.
"Chính phủ và người dân Italy đang có những bước đi táo bạo, can đảm nhằm làm chậm sự lây lan của nCoV và bảo vệ đất nước của họ cũng như thế giới. Họ đang hy sinh thật sự. WHO luôn sát cánh cùng Italy để hỗ trợ các bạn", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus viết trên Twitter.
Italy đang là nơi bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất tại châu Âu.
Các bệnh viện ở vùng Lombardy, nơi khởi phát lây nhiễm cộng đồng ở nước này, đang trong tình trạng báo động vì thiếu giường bệnh. Không còn chỗ trống ở những khoa hồi sức tích cực, một số bệnh viện phải đưa người nhiễm ra hành lang hoặc nằm tạm trong các phòng phẫu thuật, theo Guardian.
Miền Bắc Italy với Lombardy và 14 tỉnh khác, gồm hơn 15 triệu dân, là khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19.
Liên minh châu Âu (EU) ngày 9/3 thông báo các lãnh đạo khối sẽ tham gia cuộc họp trực tuyến khẩn cấp để thảo luận biện pháp chung nhằm đối phó virus corona.
Châu Âu tiếp tục diễn biến phức tạp
Đức đã ghi nhận 2 ca tử vong đầu tiên do virus Sars-CoV-2 ở nước này, trên tổng số 1.176 người nhiễm bệnh. Số ca nhiễm ở Pháp nhỉnh hơn với 1.209, trong đó có 19 người thiệt mạng. Chính phủ Pháp đã cấm tổ chức tất cả các cuộc tụ họp với sự tham gia của hơn 1.000 người. Các trận thi đấu thể thao, bao gồm cả trận cầu "đinh" trong khuôn khổ Champions League giữa hai câu lạc bộ bóng đá Paris Saint-Germain (Pháp) và Borussia Dortmund (Đức) cũng buộc phải diễn ra mà không có khán giả.
Bộ trưởng Văn hoá Pháp Franck Riester đã được chẩn đoán dương tính với virus. Ông Riester đã có mặt nhiều ngày tại Hạ viện vào tuần trước, nơi trước đó có 5 ca dương tính đã được xác nhận.
Tây Ban Nha cũng đã ghi nhận thêm 2 trường hợp tử vong, nâng số người chết do virus tại nước này lên 28. Nước này đã thông báo sẽ đóng cửa toàn bộ trường phổ thông, nhà trẻ và đại học trong các khu vực “có nguy cơ lây nhiễm cộng đồng cao” trong ít nhất 15 ngày để hạn chế sự lây lan của virus – Bộ trưởng Y tế Salvador Illa cho biết hôm 9/3. Các khu vực này bao gồm thủ đô Madrid và các thành phố Vitoria và Labastia thuộc xứ Basque.
Anh cũng đã ghi nhận trường hợp tử vong thứ 5, trong số 321 ca nhiễm bệnh.