Từ đầu tháng 3, bất kỳ ai sinh sống tại Luxembourg khi tham gia sử dụng phương tiện công cộng sẽ không phải trả chi phí nào. Đây là nỗ lực của Chính phủ nhằm giải quyết tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và hỗ trợ người có thu nhập thấp.
Ông Francois Bausch, Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết: "Chính sách này sẽ khuyến khích mọi người dân sử dụng nhiều hơn nữa phương tiện công cộng, giảm tải lượng người tham gia giao thông. Điều đó sẽ dẫn đến cải thiện chất lượng lưu thông trong thành phố và làm giảm ô nhiễm không khí."
Dân số Luxembourg chỉ hơn 600 nghìn người, nhưng ước tính có thêm 214 nghìn người đi làm mỗi ngày từ các nước láng giềng như Đức, Bỉ và Pháp, gây ùn tắc giao thông nặng nề khi phần lớn mọi người đi làm bằng ô-tô cá nhân. Theo đó, hơn một nửa lượng khí thải nhà kính ở quốc gia này đến từ hoạt động giao thông vận tải.
Quan trọng hơn, động thái này được thực hiện nhằm giúp giảm bớt tình trạng bất bình đẳng. Lý do là bởi mặc dù quốc gia với diện tích nhỏ bé này nổi tiếng thế giới về sự "giàu có", nhưng trong thời gian gần đây tỷ lệ người nghèo đang có chiều hướng gia tăng.
"Mục tiêu của chính sách này là nhằm loại bỏ khoảng cách ngày càng sâu sắc giữa người giàu và người nghèo", ông Bausch trả lời phỏng vấn Reuters. "Đối với những người có mức lương thấp, chi phí di chuyển 440 Euro/năm là một khoản đáng kể. Điều này giúp cuộc sống nhiều người bớt khó khăn”.
Để đối phó với vấn đề quá tải người tham gia giao thông, Chính phủ Luxembourg đã lên kế hoạch hiện đại hóa mạng lưới đường sắt và cải thiện các loại hình phương tiện giao thông xuyên biên giới, trong đó hạ tầng xe lửa, xe điện và xe buýt. Dự kiến, ngân sách nước này sẽ đầu tư khoảng 3,9 tỷ Euro trong vòng 10 năm từ năm 2018 - 2028 để hoàn thành đề án.
Chính phủ ước tính 65% người đi làm vẫn sẽ sử dụng ô-tô cá nhân vào năm 2025, giảm từ 73% so năm 2017. Luxembourg là quốc gia đầu tiên triển khai giao thông miễn phí. Trước đó, thủ đô Tallinn của Estonia cũng đã đã thử nghiệm chính sách này.