Các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Italy ở mức cao là do nhiều yếu tố kết hợp, chứ không đơn thuần là do cấu trúc dân số già.
Khi phóng viên CNN Antonia Mortensen bị cảnh sát chặn đường trong lúc cô đang lái xe ở Milan, thành phố miền bắc Italy mà cô đang sống, đó không phải là vì lý do giao thông, mà là để kiểm tra xem cả 2 có đeo khẩu trang hay không và hướng dẫn người đi chung xe với cô phải ngồi ở ghế sau.
“Họ nói rằng chúng tôi không được ngồi ở cả 2 ghế trước”, Mortensen cho biết khi đó cô đang trên đường tới bệnh viện cùng 1 người nữa để thăm một người bà con bị ốm.
“Chúng tôi có giấy chứng nhận đặc biệt, cho phép chúng tôi tới bệnh viện”, cô nói, đồng thời nhấn mạnh người bà con này không mắc COVID-19.
Đó là những hạn chế chặt chẽ đối với những người dân Italy đang sống ở điểm nóng “chết chóc” nhất của đại dịch COVID-19 trên thế giới.
Tính đến sáng 30/3, Italy ghi nhận thêm 5.217 ca nhiễm mới và tới 756 ca tử vong. Tổng số ca mắc bệnh tại Italy hiện tại là 97.689, trong đó có 10.779 ca tử vong. Italy hiện là nước có số ca mắc COVID-19 cao thứ 2 thế giới sau Mỹ và có số ca tử vong do dịch bệnh này cao nhất thế giới.
Điều đáng chú ý là tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Italy là hơn 11% và có lẽ đây là tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới hiện nay.
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Trung Quốc đại lục là 81.439 trường hợp, trong đó có 3.300 ca tử vong. Tỷ lệ tử vong tại nước này là 4%, trong khi tỷ lệ phục hồi đã lên tới 95%.
Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, có 140.990 ca mắc COVID-19 trong đó 2.457 người, tỷ lệ tử vong chỉ ở mức là 1,7%.
Italy đã bước vào tuần thứ 6 của các biện pháp hạn chế, nhưng vì sao số ca tử vong tại nước này vẫn không ngừng tăng mạnh và tỷ lệ tử vong lại cao hơn so với các nước khác? Các chuyên gia nói rằng, điều này phụ thuộc vào sự kết hợp của các yếu tố, ví dụ như dân số già dễ bị tác động bởi dịch bệnh, hay phương pháp xét nghiệm không đem lại bức tranh tổng thể của dịch bệnh tại Italy.
Những con số “bị bóp méo”
Số ca được xác định mắc COVID-19 ở Italy “không đại diện cho toàn bộ số người mắc”, theo bác sỹ Massimo Galli, người đứng đầu bộ phận phụ trách bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Sacco ở Milan cho biết. Con số thực tế “còn cao hơn nhiều”.
Theo ông Galli, chỉ có các trường hợp nặng mới được xét nghiệm, chứ không phải toàn bộ mọi người [có triệu chứng nhẹ, từng tiếp xúc với người bệnh, hay đi từ vùng dịch về -ND] đều được xét nghiệm. Đây cũng là một phần khiến tỷ lệ tử vong của Italy cao (số ca tử vong so với số được xét nghiệm, xác nhận mắc COVID-19).
Ở vùng Lombardy miền Bắc Italy, chỉ có khoảng 5.000 trường hợp được xét nghiệm mỗi ngày. Bác sỹ Galli cho biết, con số này thấp hơn nhiều so với mức cần thiết, trong khi hàng nghìn người vẫn đang chờ chẩn đoán ở nhà riêng.
Cản trở lớn đối với các nhân viên y tế trong việc lấy mẫu xét nghiệm là vì họ thiếu đồ bảo hộ cần thiết.
“Chúng tôi có một hệ thống y tế quốc gia hiệu quả, đặc biệt là ở Lombardy – nhưng ngay cả hệ thống của chúng tôi cũng bị ảnh hưởng vì dịch bệnh. Đã có những “phép màu” trong việc gia tăng số giường bệnh ở các bệnh viện. Tuy nhiên, thiếu thuốc điều trị là một vấn đề lớn mà nhiều nước khác cũng đang gặp phải, bác sỹ Galli nói.
Người già bị ảnh hưởng nhiều nhất
Một yếu tố khác khiến tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở Italy cao là do cấu trúc dân số già (đứng thứ 2 thế giới sau Nhật Bản).
Viện Y tế Italy ngày 27/3 cho biết, tuổi trung bình của các ca tử vong ở Italy sau khi được xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 là 78 tuổi.
Ông Galli cho biết, cho tới nay, hệ thống y tế Italy vẫn có khả năng cứu sống nhiều bệnh nhân cao tuổi có bệnh lý nền. Tuy nhiên, họ vẫn là thuộc nhóm dễ bị tác động nhất bởi dịch bệnh COVID-19.
Dù vậy, vẫn có những câu chuyện khiến người ta hy vọng. Điển hình là cụ bà Italica Grondona 102 tuổi đã được chữa khỏi bệnh COVID-19 ở thành phố Genoa miền bắc Italy sau hơn 20 ngày nằm viện.
“Chúng tôi đặt biệt danh cho bà ấy là ‘Highlander bất tử’. Italica đại diện cho hy vọng đối với tất cả những người cao tuổi đang phải đối mặt với dịch bệnh này”, bác sỹ Vera Sicbaldi nói.
Các biện pháp chưa đủ mạnh
Trong khi đó, một số chuyên gia cũng đặt câu hỏi liệu các biện pháp hạn chế của Italy có đủ để ngăn chặn sự lây lan của virus hay không.
Vũ Hán của Trung Quốc là thành phố đầu tiên áp dụng lệnh phong tỏa 11 triệu dân từ hồi tháng 1/2020, với tất cả các chuyến bay, các tuyến tàu và xe buýt đều bị hủy, các tuyến đường cao tốc cũng bị chặn lại.
Giờ đây, sau hơn 2 tháng, giới chức Trung Quốc nói rằng vùng tâm dịch này đã được nới lỏng các biện pháp hạn chế phong tỏa khi số ca mắc mới đã giảm mạnh.
Trong khi đó, Italy vẫn đang từng bước thực hiện và siết chặt hơn các biện pháp phong tỏa.
Người dân Italy giờ có thể bị phạt tới 3.000 euro (3.500 USD) vì vi phạm yêu cầu của chính phủ nếu đi ra ngoài mà không phải vì các nhu cầu thiết yếu như mua thực phẩm.
Tuy nhiên, giáo sư Gioirgio Palu, nhà virus học và vi trùng học tại đại học Padova nói rằng, các biện pháp của Italy chưa đủ tính bắt buộc và nghiêm ngặt như ở Trung Quốc.
Trong khi đó, giới chức y tế cấp cao nhận định dịch COVID-19 tại Italy sẽ đạt đỉnh và đi xuống trong tối đa 10 ngày nữa. Tại các vùng tâm dịch như Lombardy, các ca tử vong và nhiễm mới được kiểm soát ở mức ổn định, không có sự tăng đột biến trong vài ngày qua, đồng thời số lượng bệnh nhân được chữa khỏi cũng bắt đầu nhiều hơn./.