Bắt đầu từ ngày 9/3, Saudi Arabia cũng đóng cửa tất cả các trường đại học, trường công lập và tư lập trên khắp cả nước cho đến khi có thông báo mới.
Chính quyền nước này cũng tạm dừng các hoạt động hành hương hàng năm tới các thánh địa Mecca và Medina ở phía Tây. Những cuộc hành hương như thế này mang lại một nguồn thu lớn cho Saudi Arabia, song cũng là một nguồn lây lan dịch bệnh.
Trước đó một ngày, chính quyền Saudi Arabia bắt đầu phong tỏa khu vực miền Đông Qatif, nơi có đa số người Hồi giáo dòng Shitte sinh sống trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Số ca nhiễm COVID-19 tại Saudi Arabia hiện đã tăng lên 11 người.
Đây cũng là quốc gia đầu tiên tại vùng Vịnh áp dụng biện pháp này, trong bối cảnh khu vực đang phải chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng của số ca nhiễm COVID-19, với hơn 230 trường hợp nhiễm bệnh và hầu hết là trở về từ các cuộc hành hương tôn giáo tới Iran.
Theo Bộ Nội vụ Saudi Arabia, do toàn bộ 11 trường hợp nhiễm bệnh tại nước này đều tại Qatif, nên Chính phủ đã quyết định tạm thời phong tỏa khu vực này. Ngoại trừ các dịch vụ thiết yếu như cửa hàng thuốc và trạm xăng, tất cả các tổ chức, cơ quan chính phủ và tư nhân tại Qatif sẽ tạm dừng hoạt động. Bộ Nội vụ Saudi Arabia đồng thời khẳng định biện pháp này chỉ mang tính tạm thời và không mang tính phân biệt đối xử giữa các cộng đồng người.
Trong khi đó, tại Qatar, một quốc gia vùng Vịnh khác, chính quyền nước này đã quyết định cấm khách du lịch đến từ 14 nước có dịch bắt đầu từ ngày hôm nay (09/03). Những quốc gia này bao gồm Trung Quốc, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Iraq, Lebanon, Bangladesh, Nepal, Pakistan, Philippines, Hàn Quốc, Sri Lanka, Syria và Thái Lan.
Hãng hàng không Qatar cũng cho biết sẽ tạm dừng các chuyến bay đến và khởi hành từ Italia. Cơ quan y tế Qatar ngày 8/3 xác nhận thêm 3 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm bệnh tại nước này lên 15./.