Trong cuộc họp báo ngày 30-3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các quốc gia phối hợp các công ty thúc đẩy sản xuất để bảo đảm tự do lưu thông mặt hàng y tế thiết yếu, bảo đảm phân phối mặt hàng này một cách công bằng và dựa trên nhu cầu thực tế.
Tổng Giám đốc Ghebreyesus thừa nhận, đại dịch COVID-19 đang gây áp lực lên hệ thống y tế của nhiều quốc gia trên thế giới. Hệ thống y tế của một số nước đang đứng trước nguy cơ bị quá tải và không thể hoạt động hiệu quả khi các yêu cầu đối với cơ sở y tế và nhân viên y tế ngày càng cao.
Dù thế giới đang ở giữa một cuộc khủng hoảng nhưng các dịch vụ y tế thiết yếu vẫn phải tiếp tục hoạt động. WHO đã công bố tài liệu hướng dẫn các quốc gia cân bằng các yêu cầu đối với công tác ứng phó trực tiếp với COVID-19 trong khi vẫn phải duy trì dịch vụ y tế thiết yếu.
Để giúp các nước giải quyết tình trạng số ca bệnh tăng vọt mà vẫn duy trì được các dịch vụ thiết yếu, WHO đã ban hành bản hướng dẫn thực hành chi tiết về cách thiết lập và quản lý trung tâm điều trị COVID-19. Bản hướng dẫn này gồm ba nội dung chính, gồm: thứ nhất, sàng lọc và phân loại người bệnh tại cơ sở y tế; thiết lập các cơ sở cộng đồng để chăm sóc người bệnh COVID-19 có triệu chứng nhẹ; thiết lập trung tâm điều trị.
Bên cạnh việc cung cấp cơ sở vật chất cho người bệnh, WHO lưu ý các quốc gia cũng cần có đủ nguồn cung thiết bị chẩn đoán, bảo hộ và các nguồn cung y tế khác... Bảo đảm tự do lưu thông các mặt hàng y tế thiết yếu cũng đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ tính mạng người dân và ngăn chặn các tác động về mặt xã hội, kinh tế của đại dịch.
Tổng Giám đốc WHO thông báo, trước đó cùng ngày, ông đã thảo luận với bộ trưởng thương mại của các nước G20 về biện pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt thiết bị bảo hộ cá nhân và các nguồn cung y tế khác. WHO kêu gọi các quốc gia phối hợp các công ty thúc đẩy sản xuất để bảo đảm tự do lưu thông mặt hàng y tế thiết yếu, bảo đảm phân phối mặt hàng này một cách công bằng và dựa trên nhu cầu thực tế. WHO bày tỏ quan tâm đặc biệt tới các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình tại châu Phi, châu Á và khu vực Mỹ Latinh.
Ngoài thực thi các biện pháp hạn chế người dân đi lại, WHO cho rằng các chính phủ cần đồng thời thông báo cho người dân về thời gian dự kiến áp dụng các biện pháp này và hỗ trợ người cao tuổi, người già, những nhóm người dễ bị tổn thương trong thời gian dịch bệnh hoành hành. Chính phủ cần bảo đảm phúc lợi cho những người bị mất nguồn thu nhập và đang rất cần thực phẩm và các dịch vụ thiết yếu khác.
Hai tháng trước, WHO đã công bố Kế hoạch chuẩn bị và ứng phó chiến lược, trong đó kêu gọi quyên góp 675 triệu USD để hỗ trợ các quốc gia chuẩn bị và ứng phó với COVID-19. Đến nay, WHO đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quốc gia và tổ chức với số tiền hơn 622 triệu USD.