Ngày 9-4 đánh dấu 100 ngày kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận trường hợp đầu tiên bị “viêm phổi không rõ nguyên nhân” tại Trung Quốc. WHO thừa nhận rằng thật khó để diễn tả thế giới đã thay đổi ra sao trong một thời gian ngắn.
Từ khi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra bùng phát vào cuối năm 2019 đến nay, "bảng xếp hạng COVID-19" đã chứng kiến không ít sự thay đổi và thế giới cũng liên tục ghi nhận những kỷ lục đau xót liên quan đến dịch bệnh. Đến nay, đã có hơn 1,5 triệu ca nhiễm và 88.400 ca tử vong do virus SARS-CoV-2 tại 211 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó vùng dịch lớn nhất là Mỹ và châu Âu.
Cuộc chiến gian nan bắt đầu
Ngày 1-1, một vài giờ sau khi nhận được thông báo về những ca bệnh đầu tiên, WHO đã kích hoạt Nhóm hỗ trợ quản lý sự cố để điều phối các nỗ lực ứng phó ngay tại trụ sở của WHO cũng như ở cấp khu vực và quốc gia.
Ngày 5-1, WHO chính thức thông báo tới các nước thành viên về đợt bùng phát dịch bệnh mới và công bố tin tức liên quan trên website của mình.
Ngày 10-1, WHO công bố tài liệu tổng quát hướng dẫn các quốc gia phát hiện, xét nghiệm, quản lý những ca nghi nhiễm và bảo vệ nhân viên y tế. Cùng ngày, WHO triệu tập các nhóm cố vấn chiến lược và chuyên môn về bệnh truyền nhiễm để đánh giá tình hình.
Ngày 22-1, WHO triệu tập ủy ban khẩn cấp sau khi ca nhiễm đầu tiên từ người sang người được ghi nhận bên ngoài Trung Quốc. Sau đó, WHO đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc tế về y tế cộng đồng, đây là mức cảnh báo cao nhất mà tổ chức này có thể đưa ra. Vào thời điểm đó, thế giới ghi nhận 98 ca bệnh bên ngoài Trung Quốc và không có trường hợp tử vong nào.
Tháng 2-2020, một nhóm chuyên gia quốc tế của Canada, Trung Quốc, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nigeria, Nga, Singapore và Mỹ đã đến một số tỉnh chịu ảnh hưởng của dịch bệnh tại Trung Quốc để tìm hiểu thêm về chủng virus mới gây bệnh viêm phổi không rõ nguyên nhân, về đợt bùng phát và cách ứng phó dịch bệnh này, đồng thời rút ra bài học cho những nước còn lại trên thế giới. Cũng vào đầu tháng 2, Liên hợp quốc (LHQ) đã kích hoạt Nhóm quản lý khủng hoảng để hỗ trợ các nước một cách hiệu quả nhất có thể.
Tại cuộc họp báo ngày 11-2, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức thông báo: “Bây giờ, chúng ta đã có tên cho bệnh và đó là COVID-19, trong đó “Co” là “corona”, “Vi” là “virus”, “D” là “disease - bệnh””. Cùng ngày, Ủy ban quốc tế về phân loại virus (ICTV), tổ chức chịu trách nhiệm đặt tên chính thức các virus, đã công bố tên của virus corona chủng mới gây COVID-19 là “virus corona gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng 2” (SARS-CoV-2).
Một tháng sau, ngày 11-3, WHO tuyên bố sự bùng phát của COVID-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra là đại dịch toàn cầu.
Đứng trước cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu này, WHO đã xác định năm trụ cột chính để làm căn cứ đưa ra quyết sách ứng phó chủng virus corona mới và cũng là kẻ thù nguy hiểm khôn lường của toàn thế giới.
Năm trụ cột trong cuộc chiến với “kẻ thù vô hình”
Theo ông Ghebreyesus, kể từ khi nhận diện rõ hơn về virus SARS-CoV-2, tổ chức này đã làm việc ngày đêm trong năm lĩnh vực then chốt để đẩy lùi đại dịch.
Thứ nhất, WHO nỗ lực hỗ trợ các nước xây dựng năng lực chuẩn bị và ứng phó dịch bệnh. Thông qua mạng lưới gồm sáu văn phòng cấp khu vực và 150 văn phòng cấp quốc gia, WHO đã phối hợp chặt chẽ với các nước trên thế giới nhằm củng cố hệ thống y tế quốc gia để chuẩn bị cho trường hợp xuất hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên. WHO đã ban bố Kế hoạch Chuẩn bị và Ứng phó chiến lược, trong đó nêu rõ các quốc gia nên triển khai hoạt động chính nào và huy động nguồn lực nào. Quỹ Đoàn kết ứng phó của WHO đã nhận được cam kết hơn 800 triệu USD để hỗ trợ các nước đương đầu với dịch bệnh. WHO khẳng định, điều này đã thể hiện tinh thần đoàn kết toàn cầu trong cuộc chiến đẩy lùi đại dịch.
Thứ hai, WHO đã làm việc với hàng loạt đối tác để cung cấp thông tin chính xác và chống lại thôn tin sai sự thật về dịch bệnh. Đến nay, WHO đã chuyển 50 tài liệu hướng dẫn tới các quốc gia, cộng đồng và nhân viên y tế, trong đó đưa ra các khuyến cáo dựa trên bằng chứng có thật.
Trong ba tháng qua, WHO thường xuyên tổ chức họp báo và công bố những số liệu mới nhất về dịch bệnh. WHO cũng tiến hành họp giữa các nước thành viên để giải đáp thắc mắc và học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia. Mặt khác, WHO làm việc với nhiều công ty công nghệ và truyền thông như Facebook, Google, Instagram, LinkedIn, Messenger, Pinterest, SnapChat, Tencent, TikTok, Twitter, Viber, WhatsApp, YouTube... để tăng cường truyền tải thông tin đáng tin cậy và xóa sổ thông tin sai lệch về dịch bệnh.
Thứ ba, WHO nỗ lực làm việc để bảo đảm nguồn cung thiết bị y tế thiết yếu phục vụ nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch COVID-19. Đến nay, WHO đã chuyển hơn hai triệu thiết bị bảo hộ y tế cá nhân tới 133 quốc gia và chuẩn bị gửi thêm hai triệu thiết bị trong những tuần sắp tới. WHO cũng chuyển hơn một triệu bộ xét nghiệm chẩn đoán tới 126 quốc gia tại tất cả các khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, WHO thừa nhận rằng, số lượng vật tư y tế này vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu hiện nay. Do đó, WHO đang đàm phán với Phòng Thương mại quốc tế (ICC), Diễn đàn Kinh tế thế giới và các đối tác khác trong khu vực tư nhân để đẩy mạnh sản xất và phân phối vật tư y tế thiết yếu.
Thứ tư, WHO đã và đang đào tạo và huy động nhân viên y tế tham gia cuộc chiến chống COVID-19. WHO đang hướng tới đào tạo hàng chục triệu nhân viên y tế, và trên thực tế, WHO đã sẵn sàng đạt được mục tiêu này và thậm chí nhiều hơn nữa.
Thứ năm, WHO đang đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19. 130 nhà khoa học, đơn vị tài trợ và nhà sản xuất trên thế giới đã ký vào một bản tuyên bố chung cam kết phối hợp WHO để đẩy nhanh phát triển vaccine ngừa COVID-19.
Tổng Giám đốc Ghebreyesus khẳng định, năm trụ cột nêu trên sẽ tiếp tục là cơ sở để WHO triển khai chương trình ứng phó đại dịch COVID-19 trong thời gian tới. Không những vậy, WHO sẽ đưa ra một chiến lược cập nhật, Kế hoạch Chuẩn bị và Ứng phó chiến lược sửa đổi với ước tính về nhu cầu tài chính cho giai đoạn tiếp theo trong công tác phòng chống COVID-19. Tuy nhiên, WHO sẽ ưu tiên tập trung phối hợp các quốc gia và đối tác cùng đối phó với mối đe dọa chung. Đặc biệt, WHO sẽ quan tâm bảo vệ những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, không chỉ ở các nước nghèo nhất, mà còn ở tất cả các quốc gia.