Tháng 4 năm nay, nhân dân Cuba anh em kỷ niệm 59 năm chiến thắng Hy-rông (4/1961 - 4/2020), chiến thắng đầu tiên của các lực lượng cách mạng Mỹ Latinh trước sức mạnh của đế quốc Mỹ và các thế lực phản động ngay tại nơi mà chúng coi là “chiếc sân sau” bất khả chiến bại!
Cách mạng Cuba được khởi đầu bằng cuộc tấn công pháo đài Môncađa ngày 26 tháng 7 năm 1953; được tiếp nối bằng con tàu Granma tháng 12 năm 1956 từ Mêhicô trở về Đất Mẹ với gần 100 chiến sĩ cách mạng để tổ chức chiến tranh du kích trong những năm sau và được kết thúc thắng lợi bằng những Quân đoàn Khởi nghĩa tiến vào giải phóng Thủ đô La Habana ngày 1 tháng 1 năm 1959.
Sau thắng lợi ngày 1 tháng 1 năm 1959, chính quyền cách mạng triển khai nhiều chính sách cải tạo kinh tế, xã hội, văn hóa… mang đậm bản chất xã hội chủ nghĩa, trong đó có cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, xóa nạn mù chữ, chế độ giáo dục, y tế, thể thao miễn phí cho mọi người dân… Bất ngờ trước khuynh hướng này, đế quốc Mỹ ráo riết thực hiện hàng loạt biện pháp chống phá, tuyên truyền thù địch, cấm vận kinh tế, cô lập ngoại giao, kích động dân di tản, tài trợ cho các nhóm khủng bố, không kích Thủ đô La Habana…, nhưng tất cả đều không loại trừ được nguy cơ của một chế độ cộng sản ở quốc đảo chỉ cách Mỹ chưa đầy 80 dặm. Đế quốc Mỹ và các lực lượng thù địch dã tâm sử dụng biện pháp cuối cùng là tiến hành đổ bộ, tiến công bằng quân sự để xâm chiếm Cuba!
Rạng sáng ngày 15 tháng 4 năm 1961, hàng chục máy bay bất thần oanh tạc lãnh thổ Cuba nhằm triệt phá những mục tiêu quân sự và hệ thống sân bay, cầu cảng. Hai ngày sau, ngày 17 tháng 4 năm 1961, hơn 1.200 lính đánh thuê được Cục Tình báo (CIA) và Lầu năm góc huấn luyện, trang bị, tổ chức và chỉ huy đã liều lĩnh đổ bộ lên bãi biển Hy-rông, nằm ở miền trung Cuba, cách Thủ đô La Habana gần 200 km. Mục đích của Mỹ và các lực lượng phản động là chiếm đóng một vùng lãnh thổ của Cuba, tuyên bố thành lập chính phủ mới, kêu gọi sự can thiệp quốc tế, trước hết là Tổ chức các nhà nước châu Mỹ (OEA) đang bị Mỹ chi phối một cách tệ hại.
Đế quốc Mỹ đã sai lầm nghiêm trọng! Chỉ trong hai năm (1959-1961), chính quyền Cuba đã tăng cường một cách đáng kể sức mạnh tổng lực của cách mạng. Những chính sách cải cách ruộng đất, cải cách đô thị, quốc hữu hoá các công ty nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ của tư bản Mỹ đã phá tung cơ cấu kinh tế lệ thuộc, giải phóng sức sản xuất và tạo ra tiến bộ vượt bậc của nền kinh tế đất nước ngay trong bối cảnh bị bao vây, chống phá. Hàng triệu nông dân và công nhân trở thành người làm chủ tư liệu sản xuất, làm chủ các quá trình kinh tế quốc gia; hàng triệu nhân dân được xoá nạn mù chữ và được hưởng thành quả của chính sách xã hội tiến bộ do chính quyền cách mạng ban hành. Cơ sở xã hội của cách mạng đã được mở rộng và củng cố. Những tiểu đoàn dân quân tự vệ đã ra đời trên khắp đất nước, biến gần 10 triệu người Cuba ngày ấy thành một dân tộc - chiến sĩ trong sắc phục màu xanh ô-liu kiên quyết bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và tự do, phẩm giá của con người.
Cuộc diễu binh ngày 2 tháng 1 năm 1961 tại Quảng trường Cách mạng (Thủ đô La Habana) đã tạo ra khí thế và niềm hân hoan lớn cho nhân dân Cuba. Lần đầu tiên họ được thấy tận mắt hàng đoàn xe tăng T34 hạng nặng, hàng trăm khẩu bazoka, pháo 120mm, đại bác chống tăng và nhiều trang thiết bị, vũ khí hiện đại, tất cả đều được chế tạo tại Liên Xô, Tiệp Khắc và các nước xã hội chủ nghĩa khác. Từ nay, quân và dân Cuba không phải một mình đương đầu với đế quốc Mỹ, mà có cả hệ thống xã hội chủ nghĩa và phong trào cách mạng thế giới sát cánh trong cuộc đấu tranh chung.
Với sự chuẩn bị lực lượng có hiệu quả cả về vật chất và tinh thần, cả sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế, quân và dân Cuba tự tin bước vào cuộc chiến đấu với đế quốc Mỹ và tay sai phản động. Trước hơn nửa triệu người tham dự cuộc mít-tinh được tổ chức tại Quảng trường Cách mạng ngày 16 tháng 4 năm 1961 để truy điệu các liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc không kích của địch ngày hôm trước, lãnh tụ Phiđen Caxtrô công khai tuyên bố tính chất xã hội chủ nghĩa của cuộc cách mạng Cuba. Toàn bộ biển người ấy hùng dũng khẳng định quyết chiến với kẻ thù trong mọi tình huống để bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Đúng vào ngày hôm đó, 16 tháng 4 năm 1961, các lực lượng vũ trang và dân quân, tự vệ Cuba đã được chủ động bố trí ở tất cả các vị trí tác chiến.
Rạng sáng 17 tháng 4 năm 1961, thê đội đầu tiên của địch đổ bộ lên bãi biển Hy-rông, cùng với các thê đội khác ở ngoài khơi và nhiều phi đội máy bay trên trời tạo thành đội hình tiến công nhiều tầng lớp, hòng “ăn sống nuốt tươi” Cuba. Bất thần, hàng trăm ụ chiến đấu của lực lượng Cuba đã nổ súng; các phi đội không quân dội lửa chia cắt đội hình địch. Đến trưa ngày 17 tháng 4, hơn một nửa số tàu chiến Mỹ đã bị đánh chìm và mọi huyết mạch giao thông đến bãi biển Hy-rông đều bị lực lượng vũ trang Cuba phong toả. Lực lượng địch trên bờ hoàn toàn bị rơi vào thế bị bao vây, cô lập.
Sáng ngày 18 tháng 4, tất cả 54 bệ pháo phòng không của Cuba bất thần nhả đạn, rồi các tiểu đoàn bộ binh được các xe tăng T34 hạng nặng mở đường đồng loạt tiến công, bao vây cứ điểm Hy-rông. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt và đến chiều ngày 19 tháng 4, toàn bộ lực lượng địch đã bị đánh tan. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử kể từ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa đế quốc Mỹ và tay sai nếm mùi thảm bại ở Cuba và Mỹ Latinh.
Chiến thắng Hy-rông là nguồn cổ vũ lớn lao đối với phong trào giải phóng dân tộc và đấu tranh chống đế quốc ở khu vực Mỹ Latinh nói riêng và Thế giới thứ ba nói chung. Các tổ chức vũ trang cách mạng được thành lập ở nhiều quốc gia Trung Mỹ, Caribe và Nam Mỹ, áp dụng con đường đấu tranh bằng bạo lực chống đế quốc và chính quyền phản động. Khí thế và sinh lực giải phóng mạnh mẽ này đã tạo ra liên tục những cao trào cách mạng ở Mỹ Latinh trong các thập niên 60 và 70. Các lực lượng cách mạng đã viết thêm nhiều Hyrông ở En Sanvađo, Goatêmala, Nicaragoa, Grênađa, Chilê…Tuy chưa giành được thắng lợi cuối cùng, nhưng bằng hành động chiến đấu họ đã khẳng định rằng chủ nghĩa đế quốc hoàn toàn có thể bị đánh bại trước sức mạnh của độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.
Sau chiến thắng Hy-rông, Cuba vững bước trên con đường củng cố độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, hoàn thiện cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chỉ trong ba thập kỷ 60, 70 và 80 của thế kỷ XX, Cuba đã từ thân phận của một thuộc địa trở thành một quốc gia độc lập có chủ quyền, có uy tín trên trường quốc tế; người dân Cuba từ thân phận phụ thuộc, nghèo nàn trở thành người làm chủ xã hội, được hưởng nhiều ưu việt kinh tế, xã hội, văn hóa, tinh thần…; Cuba trở thành tấm gương cho nhiều nước đang phát triển, chậm phát triển noi theo. Trong thời kỳ từ sau năm 1991 đến nay, nhân dân Cuba đã một lần nữa khẳng định sức mạnh, sức sống của sự nghiệp cách mạng và chế độ xã hội chủ nghĩa: kiên cường vượt qua mọi thử thách nghiệt ngã của lịch sử; kiên định mục tiêu xây dựng, bảo vệ một quốc gia độc lập, có chủ quyền, xã hội chủ nghĩa, thịnh vượng và bền vững; từng bước chủ động và sáng tạo cập nhật mô hình kinh tế xã hội phù hợp với bối cảnh mới. Tuy phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với sức mạnh của Môncađa, Granma, Hy-rông…; sức mạnh của một dân tộc đầy bản lĩnh, trí tuệ; sức mạnh của đoàn kết quốc tế rộng rãi, sự nghiệp cách mạng Cuba nhất định sẽ có thêm nhiều thành tựu mới, tiếp tục tiên phong trong sứ mệnh cao cả là chứng minh tính hiện thực của chế độ xã hội chủ nghĩa như phương án thay thế cần thiết cho mô hình tự do mới tư bản chủ nghĩa hiện nay.