Sau 16 giờ thảo luận trực tuyến xuyên đêm, Nhóm bộ trưởng tài chính các nước sử dụng đồng euro (Eurogroup) chưa thể đạt đồng thuận về kế hoạch hỗ trợ những nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 trong khối.
Phát biểu ý kiến sau cuộc họp ngày 8-4, Chủ tịch Eurogroup Mario Centeno thông báo, nhóm này đã gần đi đến một thỏa thuận, song vẫn chưa đạt được thỏa thuận đó. Eurogroup sẽ tiếp tục nhóm họp vào ngày 9-4 để tìm kiếm gói biện pháp hỗ trợ các chính phủ, công ty và cá nhân vượt qua đại dịch.
Trong cuộc họp bắt đầu diễn ra vào lúc 14 giờ 30 phút (giờ GMT) ngày 7-4, các bộ trưởng tài chính đã có nhiều lần nghỉ giữa chừng để tiến hành các cuộc đàm phán song phương. Reuters dẫn các nguồn tin ngoại giao và nhà chức trách EU cho biết, Italy và Hà Lan bất đồng về điều kiện gắn với kế hoạch cứu trợ nhằm giúp các nước vượt qua đại dịch và điều này đã cản trở tiến trình đạt được chương trình cứu trợ trị giá 500 tỷ euro.
Italy và Tây Ban Nha kêu gọi tất cả các nước thành viên EU huy động hàng chục tỷ euro để hỗ trợ kế hoạch phục hồi khổng lồ. Trong khi đó, Đức và Hà Lan đề xuất sử dụng quỹ cứu trợ hiện nay của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) mang tên Cơ chế bình ổn châu Âu (ESM) và cung cấp khoản vay cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB). Quỹ này hiện có khoảng 410 tỷ euro.
Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz chia sẻ trên tài khoản Twitter: “Trong thời khắc khó khăn này, châu Âu phải đứng sát bên nhau. Cùng với Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire, tôi kêu gọi tất cả các nước trong Eurozone không nên từ chối giải quyết những vấn đề tài chính khó khăn này và tạo điều kiện cho một thỏa thuận có lợi cho tất cả người dân của chúng ta”.
Tính đến chiều 8-4 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận hơn 1,4 triệu ca nhiễm và hơn 82.400 ca tử vong do virus SARS-CoV-2. Trong đó, số ca nhiễm tại châu Âu chiếm hơn 50% tổng số ca nhiễm trên toàn cầu. Với gần 142 nghìn ca bệnh, Tây Ban Nha hiện là quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 nhất tại “lục địa già”. Trong khi đó, Italy là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới (hơn 17.100 ca). Pháp, Đức, Anh,... cùng nhiều quốc gia châu Âu khác cũng đang là điểm nóng dịch bệnh trên thế giới.
Theo Politico.eu, nếu Eurogroup không đạt được chiến lược chung thì những nước có “gánh nợ lớn” như Italy và Tây Ban Nha sẽ phải vay thêm tiền từ các thị trường vốn nhằm ngăn chặn nguy cơ phá sản hàng loạt và tình trạng thất nghiệp. Trên thực tế, chính phủ các nước châu Âu đã chi hàng trăm tỷ euro để bảo vệ nền kinh tế quốc gia trước tác động của đại dịch.