Ngày 29-4, Bộ trưởng Kinh tế Đức, Peter Altmaier cho biết, do cuộc khủng hoảng dịch bệnh COVID-19, nền kinh tế lớn nhất châu Âu sẽ rơi vào tình trạng suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ khi thành lập Cộng hòa Liên bang Đức, năm 1949.
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức được dự báo có thể giảm tới mức kỷ lục 6,3% trong năm 2020 vì xuất khẩu giảm mạnh và tiêu dùng trong nước bị hạn chế do các biện pháp phong tỏa chống dịch. Tờ Le Monde (Pháp) dẫn lời Bộ trưởng Peter Altmaier, nhận định, nước Đức sẽ trải qua giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ năm 1949. Tác động của đại dịch sẽ đẩy nền kinh tế Đức vào tình trạng suy thoái sau 10 năm tăng trưởng vừa qua. Tình trạng như vậy đặt ra thách thức rất lớn về cả chính trị và kinh tế.
Các nước châu Âu cũng đã đưa ra dự báo về mức suy giảm GDP trong năm nay, sẽ tồi tệ hơn rất nhiều so với cuộc khủng hoảng tại chính năm 2009. Khi đó, GDP của Đức đã bị sụt giảm hơn 5%.
Chính phủ Đức hy vọng kinh tế sẽ hồi phục vào năm 2021, tăng trưởng 5,2% khi dịch bệnh qua đi và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường. Bộ trưởng Peter Altmaier cho rằng kinh tế toàn cầu sẽ bị khủng hoảng nặng nề do dịch bệnh hoành hành như Quỹ Tiền tệ quốc tế đã dự báo mức sụt giảm tới -2,8% trong năm 2020.
Xuất khẩu, ngành kinh tế trụ cột của Đức, đã bị ảnh hưởng nặng nề do sự gián đoạn của chuỗi cung ứng cũng nhu cầu trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu có thể giảm tới 11,6% trong năm nay do vậy có thể phải tới 2022, mới trở lại được như năm 2019.
Tình hình tiêu thụ trong nước cũng giảm rõ rệt vì hoạt động kinh doanh đình trệ do các biện pháp chống dịch. Nhập khẩu của Đức có thể giảm hơn 8%, thu hẹp khoảng cách với xuất khẩu.
Theo ông Peter Altmaier, tác động nghiêm trọng nhất của dịch bệnh đối với nền kinh tế Đức sẽ rơi vào quý 2. Các viện kinh tế cũng đã dự báo rằng GDP có thể sụt giảm gần 10% trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6, mức thấp nhất trong lịch sử.
So với các nước bị ảnh hưởng nặng nề trong khu vực, tình trạng thất nghiệp ở Đức đã được hạn chế tối đa nhờ sự chủ động trong chiến lược phòng, chống dịch bệnh. Tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục, 5%, không còn giữ được, và có thể ở mức 5,8% trong năm 2020. Chính phủ Đức đã đưa ra gói hỗ trợ lên tới 1.100 tỷ euro để không chỉ giúp doanh nghiệp, người lao động mà cả hệ thống y tế vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh.
Thời gian qua, Đức đã triển khai các biện pháp chống dịch rất hiệu quả, tránh được tình trạng quá tải ở các bệnh viện, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong và sớm ngăn chặn được sự lây lan. Ngay từ đầu tháng 3, Đức đã tiến hành khoảng 35 nghìn xét nghiệm/tuần, rồi tăng liên tiếp trong tuần sau đó.
Ngày 29-4, Bộ trưởng Y tế Đức, Jens Spahn cho biết, nước này hiện có thể thực hiện khoảng 900 nghìn xét nghiệm/tuần so với 470 nghìn trong tuần trước. Kế hoạch bây giờ là mở rộng xét nghiệm cho tất cả nhân viên y tế và những người ở các nhà dưỡng lão.
Ngày 28-4, Viện Robert-Koch (RKI) cho biết, tỷ lệ lây nhiễm ở Đức hiện ở mức 1%, do vậy, một số biện pháp chống dịch vẫn tiếp tục được duy trì, tránh nguy cơ xảy ra làn sóng lây lan thứ 2. Cùng việc duy trì khoảng cách 1,5m, quy định bắt buộc đeo khẩu trang bắt đầu có hiệu lực trên toàn quốc từ ngày 29-4, khi sử dụng phương tiện công cộng và đi chợ. Một số bang còn yêu cầu mọi người đeo khẩu trang khi đến bệnh viện, bưu điện, ngân hàng hay trạm xăng.