Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo “một nạn dịch nguy hiểm về thông tin sai lệch” liên quan tới COVID-19 và kêu gọi mọi người hãy đặt niềm tin vào khoa học.
Trong thông điệp trực tuyến phát đi ngày 14/4, ông Guterres cho rằng, vào thời điểm thế giới đang đương đầu với một cuộc khủng hoảng thách thức nhất kể từ sau Thế chiến thứ II là đại dịch chết người COVID-19, thì chúng ta cũng phải chứng kiến một nạn dịch nguy hiểm khác về thông tin sai lệch.
“Mọi người trên thế giới đang sợ hãi. Họ muốn biết phải làm gì và nhận được lời khuyên từ đâu…Đây là thời điểm dành cho khoa học và tinh thần đoàn kết” – người đứng đầu Liên hợp quốc bày tỏ.
Theo quan điểm của ông Guterres thì cộng đồng thế giới cần hành động để bảo vệ con người trước những lời khuyên có hại cho sức khỏe và các giải pháp mang tính chất lừa phỉnh đang có dấu hiệu lan rộng. Qua đó, người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng, thế giới cần đoàn kết, coi “niềm tin chính là vắc-xin” để chống lại căn bệnh này.
Ông Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế đặt niềm tin vào khoa học, đồng thời hối thúc các công ty truyền thông xã hội cần hành động nhiều hơn nữa để xóa bỏ sự ghét bỏ và định kiến về COVID-19.
“Ngày hôm nay, tôi thông báo về một sáng kiến ứng phó liên lạc mới của Liên hợp quốc để lấp đầy sự thật và những thông tin khoa học lên mạng internet, đồng thời chống lại sự tàn phá ngày càng mạnh mẽ của thông tin sai lệch – một chất độc đang đặt mạng sống của nhiều người vào nguy hiểm…Với lý do chung vì lẽ thường và sự thật, chúng ta có thể đánh bại COVID-19 và xây dựng một thế giới lành mạnh, công bằng và tự cường hơn” – ông Guterres nhấn mạnh.
Những thông điệp trên được người đứng đầu Liên hợp quốc đưa ra trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, với số ca nhiễm sắp tiệm cận ngưỡng 2 triệu người trên toàn thế giới.
Theo trang thống kê số liệu worldometers.info, tính đến sáng 15/4, số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới là 1.997.666 trường hợp, trong khi số ca tử vong vì dịch bệnh là 126.597 trường hợp, số ca bình phục là 478.503 trường hợp. Bóng đen của đại dịch COVID-19 đã bao phủ tới 210 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Với 613.886 ca nhiễm bệnh và 26.047 ca tử vong, Mỹ đang bỏ xa các nước còn lại trong bảng thống kê do worldometers.info công bố sáng 15/4 về tình hình COVID-19 trên thế giới. Trong 24 giờ qua, số ca tử vong do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại bang New York đã tăng trở lại lên tới 778 ca, nhiều hơn 107 ca so với ngày hôm trước, sau hai ngày giảm liên tục. Thống đốc bang New York - ông Andrew Cuomo nhận định bang này đang ở đúng đỉnh dịch và tổng số ca tử vong tại đây đã lên tới 10.834 ca. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cuộc chiến chống dịch của bang New York cũng có một số tín hiệu tích cực, với số người bệnh điều trị tại viện giảm 1% và số người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV2 tăng ít trong những ngày vừa qua.
Không chỉ có Mỹ, bức tranh tổng quan về dịch bệnh COVID-19 tại một “điểm nóng” khác trên thế giới là châu Âu cũng đang phủ một màu u ám khi số ca nhiễm bệnh và tử vong đã lần lượt lên tới con số 937.288 và 83.717 (tính đến sáng 15/4). Tây Ban Nha và Italy tiếp tục dẫn đầu bảng thống kê về tình hình dịch bệnh ở châu Âu, với lần lượt 174.060 và 162.488 ca nhiễm COVID-19.
Trong 24 giờ qua, Nga ghi nhận thêm 2.774 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia này lên 21.102 trường hợp, đứng thứ 9 trong bảng thống kê của worldometers.info.
Hiện Moscow, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch COVID-19 ở Nga, đã lắp đặt các giường bệnh tạm thời để điều trị cho các bệnh nhân và hiện đã có sẵn hàng nghìn giường bệnh mới để sử dụng, tuy nhiên theo giới chức của thành phố, số giường này vẫn chưa đủ. Sở Y tế thành phố Moscow cho biết, cơ quan này đã quyết định cải tạo 24 bệnh viện tạm thời do tình hình dịch bệnh và theo kế hoạch có tổng cộng 21.000 giường sẵn sàng trong vòng 10 ngày tới. Trước tình hình trên, ngày 14/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã nhấn mạnh tới việc áp dụng các biện pháp “đặc biệt” để ngăn chặn sự lây lan của virus SARS-CoV-2.
Trong cuộc họp báo ngày 14/4, phát ngôn viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) – bà Margaret Harris đánh giá sự bùng phát của đại dịch COVID-19 tại châu Âu là một bức tranh pha trộn nhiều màu sắc. Trong khi dịch bệnh một số nước gồm Italy và Tây Ban Nha đang có dấu hiệu chững lại thì lại gia tăng tại một số nước khác. Theo tính toán của bà Harris thì xét trên phạm vi toàn cầu, 90% ca nhiễm COVID-19 là ở châu Âu và Mỹ, trong khi dịch bệnh vẫn chưa đạt đỉnh.
Đề cập tới vấn đề phát triển vắc-xin chống COVID-19, bà Harris cho biết, tiến trình này vẫn cần trải qua công đoạn thử nghiệm lâm sàng an toàn trên người. Phát ngôn viên WHO khẳng định, không ai có thể ấn định một thời điểm cụ thể, song việc công bố vắc-xin sẽ không thể diễn ra ít nhất là trong vòng 12 tháng./.