Chiều 7-4, trong nỗ lực khống chế và ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch COVID-19, Thủ tướng Shinzo Abe đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp ở bảy tỉnh, thành phố tại Nhật Bản, gồm thủ đô Tokyo cùng với các tỉnh Kanagawa, Saitama, Chiba, Osaka, Hyogo và Fukuoka. Đây là lần đầu tiên tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh được ban bố ở đất nước “Mặt trời mọc” và sẽ có hiệu lực tới ngày 6-5.
Phát biểu trước Quốc hội, Thủ tướng Abe nói: “Chúng ta đang ở trong tình huống dịch bệnh lây lan nhanh chóng và rộng khắp đất nước, đe dọa tác động nghiêm trọng tới cuộc sống của người dân và nền kinh tế”.
Thủ tướng Abe nói rằng người dân cần thay đổi hành vi để ngăn chặn virus lây lan trên diện rộng bằng cách hạn chế ra ngoài, hạn chế tiếp xúc, giao tiếp.
“Chúng ta không có kế hoạch áp dụng các biện pháp phong tỏa tương tự như nhiều nước khác và sẽ duy trì các dịch vụ như giao thông công cộng cần thiết cho nền kinh tế và xã hội của chúng ta nhiều nhất có thể”, Thủ tướng Abe giải thích về tình trạng khẩn cấp vừa công bố.
Tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 sẽ cho phép các thống đốc tỉnh thực hiện các biện pháp phòng ngừa mạnh mẽ hơn, từ hướng dẫn công dân ở nhà đến hạn chế hoạt động của các trường học và các cơ sở khác, mặc dù không có hình phạt pháp lý nào cho việc không tuân thủ.
Trong buổi họp với ban đặc trách của chính phủ về COVID-19, Thủ tướng Abe đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 dựa trên luật sửa đổi luật đặc biệt về phòng chống dịch cúm mà Quốc hội Nhật Bản thông qua hôm 13-3. Ông cho biết đã tham vấn ban cố vấn về dịch bệnh truyền nhiễm và các chuyên gia y tế và hoàn thành các quy trình cần thiết.
Quyết định tình trạng khẩn cấp về dịch COVID-19 được đưa ra trong bối cảnh số người mắc COVID-19 ở nhiều thành phố lớn của Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo và Osaka, đang tăng nhanh một cách đáng báo động. Đáng chú ý, giới chức y tế nước này đã không thể xác định được con đường lây truyền của nhiều ca nhiễm bệnh.
Theo số liệu cập nhật lúc 20 giờ (giờ địa phương) ngày 7-4, Nhật Bản ghi nhận 5.001 ca nhiễm COVID-19, trong đó có 712 ca trên du thuyền Diamond Princess. Thủ đô Tokyo đứng đầu danh sách với 1.196 ca COVID-19. Osaka đứng thứ hai với 428 ca COVID-19, tiếp theo là Chiba với 287 ca, Kanagawa với 278 ca. Nước này cũng ghi nhận 108 ca tử vong do COVID-19, trong đó có 11 ca trên du thuyền Diamond Princess.
Công bố gói kích thích kinh tế kỷ lục
* Cùng ngày, Nội các Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế kỷ lục trị giá 108 nghìn tỷ Yên (990 tỷ USD) nhằm giúp các hộ gia đình và các doanh nghiệp chống chọi trước tác động của cuộc khủng hoảng do COVID-19 gây ra.
Gói kích thích kinh tế khẩn cấp này có quy mô gần gấp đôi so với gói kích thích kinh tế có tổng trị giá 56,8 nghìn tỷ Yên mà chính quyền nước này đã thông qua sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và tương đương gần 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản.
Theo Thủ tướng Abe, gói kích thích kinh tế này bao gồm các biện pháp tài chính có tổng trị giá 39.000 tỷ Yên, trong đó có 6.000 tỷ yên cho chương trình trợ cấp trực tiếp bằng tiền mặt tới các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ; và 26.000 tỷ yên cho chương trình hoãn nộp tiền thuế và an sinh xã hội cho các doanh nghiệp.