Theo số liệu thống kê do worldometers.info vừa công bố sáng 23/4, thế giới ghi nhận 2.637.673 trường hợp mắc COVID-19 tại 212 quốc gia, vùng lãnh thổ, với 184.217 trường hợp tử vong.
Mỹ vẫn tiếp tục đứng đầu thế giới về số ca mắc và tử vong vì COVID-19, với lần lượt 848.994 và 47.676 trường hợp.
Sau Mỹ, châu Âu vẫn là điểm nóng của đại dịch COVID-19, với 1.168.284 ca nhiễm bệnh và 111.202 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, Nga là nước ghi nhận số ca nhiễm mới cao nhất ở châu Âu là 5.236 ca. Tổng số ca tử vong tại Nga đến thời điểm hiện tại là 513 ca, sau khi ghi nhận thêm 57 ca tử vong trong 24 giờ qua.
Tình hình dịch bệnh tại Trung Đông vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi Ả rập Xê út ghi nhận thêm 1.141 ca nhiễm mới và 5 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, các nước khác trong khu vực gồm: Qatar, Các Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất, Iraq lần lượt ghi nhận 608; 483 và 29 ca nhiễm mới.
Với 3.659 ca nhiễm COVID-19 và 276 ca tử vong vì dịch bệnh, Ai Cập hiện đang là nước đứng đầu châu Phi về số ca nhiễm.
Tại châu Á, trong 24 giờ qua, Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện thêm 3.083 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 98.674 trường hợp. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất châu Á.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh đang lan rộng chưa có điểm dừng tại nhiều châu lục, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, ngày 22/4 đã kêu gọi thế giới cần chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho kịch bản đại dịch COVID-19 sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), người đứng đầu WHO nhận định, tình hình dịch bệnh COVID-19 tại một số nước Tây Âu đang có dấu hiệu ổn định hay giảm nhiệt. Song đáng quan ngại là dịch bệnh tại châu Phi, khu vực Trung và Nam Mỹ lại đang có xu hướng gia tăng, cho dù các con số ghi nhận được vẫn còn ở mức thấp.
Lưu ý rằng hầu hết các nước trên thế giới đang ở giai đoạn đầu của dịch bệnh, ông Ghebreyesus cảnh báo rằng: “Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Con virus này sẽ sống cùng chúng ta trong một thời gian dài”. Người đứng đầu WHO khẳng định ông sẽ tiếp tục làm việc không quản ngày đêm và tập trung vào nỗ lực cứu sinh mạng con người.
Cùng ngày, Giám đốc điều hành Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO – ông Mike Ryan cũng bày tỏ quan ngại về sự lây lan của dịch bệnh tại các nước có hệ thống y tế yếu kém. Cụ thể, chỉ riêng trong tuần qua, tỷ lệ nhiễm bệnh tại một số nước châu Phi đã tăng từ 250-300%./.