5 ngộ nhận sai lầm và nguy hiểm về dịch bệnh COVID-19

06:29, 15/05/2020

Tính đến ngày 14/5, dịch COVID-19 đã khiến hơn 4,4 triệu người trên thế giới mắc bệnh và gần 300.000 người tử vong. Virus SARS-CoV-2 gây nên dịch bệnh này là một loại virus có khả năng lây lan cao qua các hoạt động như ho, hắt hơi hoặc thậm chí trò chuyện.

Trong những tháng qua, chúng ta đã thực hiện hàng loạt các biện pháp, thậm chí cả những biện pháp mạnh mẽ nhất như phong tỏa toàn bộ đất nước để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Tuy nhiên, do COVID-19 là một dịch bệnh mới nên ngày càng có nhiều những thông tin sai lệch về virus gây nên căn bệnh này, từ cách thức nó lây lan cho tới tác động của nó đến từng cá nhân và toàn xã hội. Dưới đây là một số ngộ nhận sai lầm và nguy hiểm về chủng virus này.

An toàn ở khoảng cách 2 mét

Liệu chúng ta có thực sự an toàn ở khoảng cách 2 mét khi đến những nơi công cộng? Giữ khoảng cách 2 mét với người khác, hay "giãn cách xã hội" hoặc "giãn cách vật lý" là lời khuyên phổ biến nhất trên toàn thế giới nhằm hạn chế nguy cơ tiếp xúc với virus SARS-CoV-2, vốn có thể lây lan qua tiếp xúc cơ thể trực tiếp hoặc tiếp xúc với các giọt bắn chứa virus lơ lửng trong không khí ở không gian kín.

Trên thực tế, đúng là việc giữ khoảng cách, không chạm vào người khác, không chạm vào mắt, mũi, miệng sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ mắc bệnh bởi khoảng cách càng lớn thì bạn càng tránh xa nguồn lây nhiễm. Tuy nhiên, nguy cơ bạn mắc COVID-19 phụ thuộc vào lượng virus mà bạn có khả năng tiếp xúc bởi rõ ràng bạn dễ mắc bệnh hơn nếu bạn tiếp xúc với hàng nghìn phân tử virus thay vì hàng trăm, hàng chục hoặc một vài phân tử. Chẳng hạn như khi càng có nhiều người không đeo khẩu trang thì nguy cơ bạn tiếp xúc với các phân tử virus sẽ càng lớn hoặc bạn càng dành nhiều thời gian trong không gian kín có sự hiện diện của virus thì bạn sẽ càng dễ mắc bệnh, cho dù khoảng cách 2 mét được duy trì.

Thậm chí chỉ cần 1 người trong một không gian kín mắc bệnh, sự lây lan có thể diễn biến theo cấp số nhân với những người cùng ở trong đó. Câu chuyện dịch COVID-19 lây lan trên các tàu sân bay, du thuyền, nhà tù, viện dưỡng lão... là minh chứng rõ ràng cho việc này.

Trẻ em không thể mắc bệnh hoặc lây lan virus

Đây là một trong những ngộ nhận sai lầm nhưng lại phổ biến ở nhiều quốc gia trên thế giới. Đúng là tỷ lệ tử vong ở trẻ em mắc COVID-19 khá thấp nhưng trẻ em hầu như không miễn nhiễm với các tác động của virus SARS-CoV-2.

Hệ thống miễn dịch của trẻ em về cơ bản không khác so với người lớn bởi con người luôn dễ tổn thương trước các loại bệnh truyền nhiễm tương tự nhau dù ở bất kỳ độ tuổi nào. Mặc dù tỷ lệ tử vong do COVID-19 ở trẻ em tương đối thấp nhưng ngày càng có nhiều trẻ xuất hiện các triệu chứng bất thường của căn bệnh hiếm gặp mang tên Kawasaki.

Ngay cả khi không có trẻ em nào tử vong do mắc COVID-19 thì việc mở cửa các trại hè hay các khu vui chơi vẫn không an toàn bởi một lý do quan trọng, đó là những đứa trẻ mắc bệnh hoàn toàn có thể lây nhiễm cho người khác và khiến họ gặp nguy hiểm, nhất là những người cao tuổi hoặc những người mắc các bệnh nền.

Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết hồi đầu tháng 4/2020 rằng, trẻ em có thể trải qua các triệu chứng khác với người lớn nhưng tình trạng bệnh vẫn có thể trở nên nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong. Hơn nữa nếu như người lớn có thể mắc bệnh và lây nhiễm cho những đối tượng dễ tổn thương khác dù họ không có triệu chứng thì trẻ em cũng vậy. Do đó, các biện pháp phòng ngừa nên được tất cả mọi người thực hiện dù ở độ tuổi nào.

Không có nguy cơ tử vong trừ khi mắc các bệnh lý nền

Không thể phủ nhận là những người mắc các bệnh lý nền có nguy cơ tử vong cao hơn khi dương tính với virus SARS-Cov-2 nhưng có những trường hợp những người khỏe mạnh dù ở bất kỳ độ tuổi nào khi mắc COVID-19 đã trải qua các triệu chứng phức tạp của bệnh như: đột quỵ, suy thận, sẹo phổi, tổn thương tim, các vấn đề về tiêu hóa và những ảnh hưởng về hệ thần kinh.

Mặc dù hầu hết những người mắc COVID-19 nhập viện đều có ít nhất 1 bệnh lý nền nhưng vẫn có một tỷ lệ đáng kể người mắc COVID-19 nặng không có bệnh lý nền nào. Có thể kể tới bác sĩ Trung Quốc Lý Văn Lượng, 33 tuổi, người mắc COVID-19 dù không có bệnh lý nền nhưng đã tử vong sau 4 tuần kể từ lần đầu tiên tiếp xúc với virus SARS-CoV-2.

Miễn nhiễm với SARS-CoV-2 khi nhiều người mắc bệnh

Tin tốt là nếu bạn từng mắc COVID-19 và hồi phục, dường như bạn sẽ không tái nhiễm với chủng virus hiện nay nữa nhưng trên thực tế, virus vẫn luôn biến chủng và nếu một biến chủng quan trọng nào đó xảy ra, khả năng miễn nhiễm này có thể không còn nữa.

Ngoài ra, không phải hầu hết mọi người đều đã dương tính với virus SARS-CoV-2, thậm chí cả ở những khu vực dịch bệnh bùng phát trên quy mô lớn như New York (Mỹ) hay Milan (Italy).

 

Chúng ta vẫn rất dễ tổn thương trước dịch COVID-19 cho dù ở cấp độ địa phương hay toàn cầu. Miễn dịch cộng đồng, một viễn cảnh chỉ có thể xảy ra khi hơn 70% dân số mắc bệnh hoặc tìm ra vaccine, vẫn chưa đạt được. Nếu chờ đợi miễn dịch cộng đồng tự nhiên, khoảng 500.000 người Mỹ sẽ chết vì COVID-19.

Chỉ có một lượng nhỏ dân số thế giới miễn dịch hiện nay. Điều đó tức là chúng ta, phần lớn dân số, vẫn đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh hàng ngày.

Cuộc sống quay về "như cũ" khi mở cửa trở lại

Đây có lẽ là một trong những ngộ nhận nguy hiểm nhất giữa bối cảnh hiện nay bởi hành động của chúng ta sẽ quyết định mức độ lây lan của virus SARS-CoV-2. Chúng ta đã chứng kiến sự gia tăng các ca mắc mới ở nhiều khu vực trên thế giới khi những nơi này mở cửa trở lại. Mỗi tiếp xúc không cần thiết, dù là với bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay khách hàng, đều có thể trở thành nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2.

Rõ ràng sức ép quay trở lại cuộc sống bình thường là rất lớn, thậm chí điều này đi ngược với những cơ sở khoa học mà chúng ta biết hiện nay. Do đó, cho đến khi vaccine được tìm ra và được phân phối rộng rãi, chúng ta phải điều chỉnh suy nghĩ của mình về cái gọi là "bình thường". Nếu không, mọi thành quả chống dịch của chúng ta sẽ trở về thời điểm tháng 2 và tháng 3 hoặc thậm chí là con số 0 nếu virus lây lan theo cấp số nhân. Có rất nhiều hành động hữu ích chúng ta có thể thực hiện hiện nay, chẳng hạn như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, hạn chế tập trung nơi đông người...

Do vậy, giải pháp thông minh mà chúng ta nên làm trong bối cảnh dịch bệnh là cần phải lắng nghe những bằng chứng khoa học chính xác và đáng tin cậy thay vì nghe theo những tin đồn lan rộng nhưng lệch lạc và thiếu kiểm chứng./.