Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô đã đạt thỏa thuận về các quy định đi lại tại khu vực biên giới, nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, lượng hàng hóa qua lại khổng lồ mỗi ngày, cùng dòng người di cư bất hợp pháp không ngừng di chuyển buộc chính phủ ba nước Bắc Mỹ tiếp tục tìm kiếm biện pháp chống dịch hợp lý tại ngay các đường biên giới.
Mỹ và Ca-na-đa có đường biên giới chung dài nhất thế giới, khoảng 8.900 km. Trước khi dịch bùng phát, ước tính mỗi ngày có tới 1,8 tỷ USD hàng hóa đi qua biên giới giữa hai nước, do đó việc đóng cửa hoàn toàn đường biên giới để chống dịch không phải lựa chọn được ưu tiên. Thủ tướng Ca-na-đa G.Tru-đô nhiều lần khuyến nghị chính quyền Tổng thống Mỹ Ð.Trăm duy trì mở cửa biên giới với Ca-na-đa đối với hoạt động trao đổi hàng hóa thiết yếu, bởi cả hai nước đều phụ thuộc rất lớn vào một dòng chảy thương mại mạnh mẽ và xuyên suốt.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch, Chính phủ Ca-na-đa và Mỹ đã nhất trí đóng cửa biên giới giữa hai nước đối với toàn bộ các hoạt động đi lại không thiết yếu từ hôm 21-3. Chỉ một tuần sau khi lệnh được triển khai, lượng người nhập cảnh từ Mỹ vào Ca-na-đa qua đường biên giới trên bộ giảm 82% so cùng kỳ năm 2019. Toàn bộ công dân Ca-na-đa khi về nước từ Mỹ đều được yêu cầu cách ly 14 ngày. Lượng lái xe tải từ Mỹ vào Ca-na-đa cũng giảm khoảng 24% so cùng kỳ năm trước, tuy nhiên đây vẫn là con số rất lớn, với khoảng 88 nghìn người lái xe tải qua các cửa khẩu chỉ trong một tuần từ ngày 23 đến 29-3. Ðáng chú ý, các biện pháp kiểm tra y tế đối với các lái xe lại được cho là khá "lỏng lẻo", bởi các lái xe chỉ phải trả lời một số câu hỏi cơ bản về tình trạng sức khỏe. Nhiều lái xe không chịu hợp tác với cơ quan chức năng, từ chối đeo vòng giám sát, không cho các nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm.
Thủ tướng G.Tru-đô cho biết, Chính phủ Ca-na-đa sẵn sàng điều quân đội tới các bang có đường biên giới giáp Mỹ, để hỗ trợ các cộng đồng địa phương ứng phó dịch. Tại bang Kê-bếch, nơi có khoảng 8,5 triệu người sinh sống trên diện tích bằng khu vực Tây Âu, cảnh sát được tăng cường tại biên giới với Mỹ để bảo đảm những người trở về Ca-na-đa từ Mỹ tuân thủ nghiêm lệnh cách ly. Kê-bếch là nơi tập trung khoảng một nửa số ca nhiễm COVID-19 của Ca-na-đa. Chính phủ Ca-na-đa cũng gửi trả Mỹ những người nhập cư bất hợp pháp qua đường biên giới trên bộ giữa hai nước. Những năm qua, hàng nghìn người nhập cảnh bất hợp pháp qua biên giới Mỹ để xin tị nạn tại Ca-na-đa, trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Mỹ Ð.Trăm siết chặt chính sách về nhập cư.
Mỹ và nước láng giềng phía nam Mê-hi-cô cũng đạt được thỏa thuận hạn chế đi lại không cần thiết qua biên giới chung. Theo Lầu năm góc, Mỹ triển khai khoảng 500 binh sĩ bổ sung cho lực lượng tại chỗ gồm 5.000 binh sĩ ở khu tây nam giáp Mê-hi-cô để hỗ trợ lực lượng tuần tra biên giới. Tổng thống Mỹ Ð.Trăm cũng kích hoạt một đạo luật đặt trọng tâm vào y tế, nhằm ngăn chặn "mối đe dọa tạo ra một cơn bão thật sự" từ dòng người di cư bất hợp pháp vào Mỹ. Chính quyền Oa-sinh-tơn áp dụng quy chế trục xuất ngay lập tức những người nhập cư trái phép về Mê-hi-cô. Nhà trắng lo ngại, COVID-19 có thể gây những tác động nguy hại lên nền kinh tế vốn suy giảm của các nước Bắc Trung Mỹ và Mê-hi-cô, khiến nhiều người di cư tiếp tục tìm đến Mỹ.
Trong bối cảnh, Mỹ trở thành một trong những "rốn dịch" COVID-19 của thế giới, Ca-na-đa và Mê-hi-cô cũng chật vật ứng phó dịch bệnh, việc thắt chặt các biện pháp an ninh tại biên giới để ngăn chặn dịch lây lan là cần thiết. Tuy nhiên, việc bảo đảm đường biên giới thông suốt nhằm hỗ trợ cả ba nền kinh tế, vốn có giá trị trao đổi thương mại khổng lồ, ước tính hơn 1.100 tỷ USD mỗi năm, là điều cần đặc biệt quan tâm.