Trẻ em tuy không phải là đối tượng chính bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng các em có nguy cơ trở thành nhóm bị tác động lớn nhất.
Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đặc biệt quan ngại đến các quốc gia như Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Ethiopia, Pakistan, Sudan và Yemen - những quốc gia này có tới 40% trong tổng số trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Các số liệu mới nhất từ WFP cho thấy, COVID-19 có thể đẩy hơn 130 triệu người vào tình trạng mất an ninh lương thực, nâng tổng số lên 265 triệu người đứng trước bờ vực của sự đói kém. Dự báo cho thấy, số trẻ em bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng có thể tăng lên tới 20% do ảnh hưởng của tình trạng mất an ninh lương thực. Kết quả là, năm nay có thêm 10 triệu trẻ em có thể bị suy dinh dưỡng cấp tính.
Cuộc khủng hoảng đại dịch COVID-19 đang có ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe của trẻ em - thông qua chính căn bệnh này và qua những tác động về kinh tế xã hội từ việc phong tỏa và hạn chế đi lại.
Ngay cả trong điều kiện bình thường, một đứa trẻ bị suy dinh dưỡng nghiêm trọng cũng có nguy cơ bị tử vong cao gấp 9 lần so với một đứa trẻ khỏe mạnh. Trong khi đó, virus gây bệnh COVID-19 có thể tàn phá cơ thể vốn rất nhỏ bé của trẻ em.
Theo WFP, đại dịch và những ảnh hưởng từ việc phong tỏa là một tai họa lớn cho các gia đình nghèo nhất thế giới. Và giống như bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác, đại dịch sẽ đánh vào những người dễ bị tổn thương nhất.
Suy dinh dưỡng cấp tính do tiêu thụ không đủ thực phẩm và thực phẩm kém chất lượng hoặc bệnh tật, hoặc cả hai - dẫn đến tình trạng giảm cân đột ngột, nếu không được điều trị có thể dẫn đến tử vong./.